Giới thiệu tác phẩm: Ký ức tàu không số kỷ niệm ngày thành lập QDNDVN

Thứ tư - 15/09/2010 14:36
Giới thiệu tác phẩm: Ký ức tàu không số kỷ niệm ngày thành lập QDNDVN
Thưa bạn đọc!
Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay 22/12/2010, Thư viện trường THCS Chu Văn An Tam Kỳ trân trọng giới thiệu tác phẩm “Ký ức tàu không số” của nhà văn Mã Thiện Đồng do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành tháng 3 năm 2010, sách dày 234 tr., khổ 21 cm, giá bìa: 35.000đ.
“Ký ức tàu không số” là tập hồi ký của nhà văn Mã Thiện Đồng khắc họa lại hình ảnh những chiến sĩ chiến đấu trên biển kiên cường, gan dạ và mưu trí trên những chuyến “tàu không số”, và chính họ là tác giả mở ra con đường “Hồ Chí Minh trên biển”, để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Các em thân mến!
Có lẽ ký ức về chiến tranh, về những chiến công của các chiến sĩ chiến đấu trên các mặt trận không thể và sẽ không bao giờ kể hết được. Cũng có thể các em sẽ tự nhủ và cho rằng vì sao các thế hệ đi trước lại hay kể về quá khứ cho các em nghe. Vì sao lại như vậy??? Vì nhân dân ta cần lắm, cả thế giới và người Mỹ yêu hoà bình cũng cần lắm những tư liệu quí giá như thế này để nghiên cứu, để hiểu Việt Nam và hoài niệm về quá khứ. Vậy thì cớ gì hôm nay, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, của quân đội nhân dân Việt Nam, cô lại không nhắc và kể lại quá khứ quá đỗi hào hùng của dân tộc mình. Đây chính là tài sản tinh thần vô giá của chúng ta.Từ lâu lắm rồi, chắc mọi người đã từng nghe và biết đến con đường “Hồ Chí Minh trên biển” gắn liền với tên gọi “tàu không số”. Vì sao có tên là “tàu không số”? Vì những con tàu đi trên con đường ấy chuyên chở đạn dược vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam. Vì nhiệm vụ là chuyên chở vũ khí nên phải bí mật, do đó mới xuất hiện những con tàu không số-đó là tàu không hề có số hiệu. Đồng nghĩa với việc tàu không được phép chạy hợp pháp và những người đi trên tàu là những cảm tử quân. Mỗi lần ra đi, mỗi lần xuống tàu là mỗi lần đối diện với cái chết. Cho nên, những cái tên khá quen thuộc một thời được lan truyền trong bộ đội như một huyền thoại như Trần Phong, Nguyễn Xuân Thơm, Thôi Văn Nam,...luôn được giữ bí mật. Sau này, khi hoà bình lập lại, có phải vì thế các anh lại không hề được biết trong các câu chuyện lịch sử của chúng ta chăng? Bây giờ, một số ít, rất ít người vẫn còn sống nhưng vẫn chỉ là những chiến sĩ vô danh. Ít người biết đến họ. Tại sao? Tất cả họ đáng lẽ phải được vinh danh từ khi nước nhà thống nhất, vậy mà đến bây giờ họ vẫn sống lặng lẽ? Vì sao những chiến công của họ không được các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải dù gần 50 năm đã trôi qua?
Để trả lời cho những câu hỏi luôn xoáy vào tâm khảm, tác giả Mã Thiện Đồng đã lặn lội tìm gặp các chiến sĩ trên những chuyến “tàu không số” năm xưa để trân trọng viết về họ, đó là những trang ký ức tràn đầy cảm xúc, thương cảm xót xa pha lẫn niềm tự hào. Những chiến công oanh liệt cũng như sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng giờ đây đã được sống lại trên tuyến đường vận chuyển trên biển đầy gian khổ, hiểm nguy. Tác giả tâm sự: “Gần 50 năm đã trôi qua, họ vẫn còn sống, dù chỉ còn rất ít thôi. Họ là những chiến sĩ vô danh, nhưng cũng chính họ là những người đã làm nên những huyền thoại. Tôi không viết về lịch sử, tôi chỉ viết về những con người thông qua những câu chuyện họ kể. Các anh đã giúp tôi thực hiện tâm nguyện: nếu biết được chút gì về những con người dũng cảm hy sinh vì Tổ Quốc, thì trách nhiệm và lương tâm là phải nói ra, viết ra để mọi người biết đến và lưu truyền về sau”.Đúng vậy. Lật giở từng trang, chúng ta sẽ thấy tác giả không quá đi sâu vào từng chi tiết lịch sử, số liệu, sự kiện mà tập trung khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ của đoàn “tàu không số” huyền thoại năm xưa và những mất mát, hy sinh vô cùng to lớn của họ. Do yêu cầu của cấp trên là “tuyệt đối bí mật” nên những người làm nhiệm vụ này không được cho ai biết việc làm của mình, kể cả người thân. Chẳng hạn như người anh hùng Bông Văn Dĩa trong một lần đến thăm nhà máy sắt, tráng men Hải Phòng - nơi con trai ông đang công tác. Cha con đã gần chục năm trời vắng bặt tin nhau nhưng ông vẫn không dám nhận con mà chỉ “lén” nhìn: “Mặt ông Hai Dĩa đanh lại, hai hàm răng cắn chặt, mím môi như cố không để bật ra tiếng nói. Chắc ông đã mãn nguyện khi được ngắm nhìn đứa con trai yêu quý” (trang 25). Có chiến sĩ ra đi làm nhiệm vụ mà không thể đến gặp để tạm biệt người yêu, mà nói nỗi lòng và nhiệm vụ gian khổ của mình khiến anh bị cho là kẻ bội bạc, là phản trắc. Rồi anh hy sinh, nỗi oan tình ấy anh mang theo vào lòng biển cả mênh mông...bây giờ hoà bình rồi, liệu có còn ai đến gặp những con người ấy để nói to lên những nỗi niềm?
Các bạn thân mến!
Khi xem những tiêu đề của từng câu chuyện trong cuốn sách, các bạn không thể không dâng trào cảm xúc khó tả khi đọc những nội dung như thế này: “Người mở luồng”, “Tàu thả trôi không còn người lái”, “Huyền thoại về con tàu ma”, “Hành trình hình chữ o”, “Tàu hai đáy” và “Nghĩa trang liệt sĩ không mồ”,... Tất nhiên ai cũng biết, chiến tranh đã gây nên những đau thương, oan trái và nhiều chết chóc. Và dân tộc Việt Nam, với sức chịu đựng gian khổ phi thường, tinh thần chiến đấu dũng cảm đã làm cho thế giới phải khâm phục nhưng không bao giờ và không ai có thể tưởng tượng được bằng những con tàu đơn sơ, máy móc cũ kỹ, các chiến sĩ quả cảm ấy đã làm nên biết bao điều kỳ diệu: từng chuyến tàu “không số” đã đều đặn chi viện cho chiến trường miền Nam, đã vượt qua sự săn lùng của hạm đội Mỹ và tàu tuần tra của ngụy. Có những lúc phải hủy tàu, cả đoàn đều tự nguyện hy sinh. Rồi những khi tàu bị phát hiện, cán bộ chiến sĩ ta đều bị sát hại... Có lần, tàu vừa cập bến Vàm Lũng thì bị mắc cạn mà trời lại gần sáng. Nơi mắc cạn lại nằm gần đồn địch. Cán bộ, chiến sĩ huy động lực lượng “nhân dân tại chỗ” để vận chuyển vũ khí. Và những con tàu ấy phải tự hủy. Cũng có lúc các cán bộ, chiến sĩ ta bị bắt, bị tra khảo khốc liệt. Thế nhưng “những đòn tra tấn dã man ấy chỉ cướp đi sức khỏe của các anh, còn lời khai thì dù ở chỗ nào, bị nhốt riêng hay chung, những người con trung kiên dũng cảm ấy vì đã được rèn luyện trong nước sôi lửa bỏng nên đều thống nhất lời khai được chuẩn bị từ trước: chỉ biết phụ việc nấu cơm, dọn dẹp trên tàu hoặc đánh cá...” (trang 218). Trong cuộc đời làm thuỷ thủ trên “tàu không số”, có lẽ hạnh phúc lớn nhất của họ là lúc những chuyến tàu cập bến an toàn, bà con miền Nam vui mừng không kể xiết. Đồng bào đã háo hức đến tận tàu để tận mắt xem những con người huyền thoại “mình đồng da sắt” và để phụ giúp khuân vác vũ khí: “Khi lên tàu, các bà, các má, các chị đều khóc òa, níu tay từng người vì cảm động, vì thương anh em thủy thủ cực khổ quá, dũng cảm quá... và cũng vì sung sướng quá!” (trang 88).
Các anh dũng cảm quá. Anh hùng quá. Tất cả những điều ấy bây giờ chúng ta đã khó có thể hình dung nổi, vậy mai sau liệu còn mấy ai nhớ đến các anh???
Quyển hồi ký được thể hiện bằng văn phong trong sáng, giản dị nhưng cuốn hút và lay động độc giả trong từng trang viết bởi những câu chuyện, con người và sự kiện như “thần thoại”. Và khi kết thúc cuốn sách, tác giả đã đặt một câu hỏi: “Từ núi rừng đến biển khơi, các anh dang ôm lấy Tổ quốc, các anh đang trải màu xanh cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với truyền thống anh hùng ấy?!” (trang 228). Vâng. Các anh đã lặng lẽ đóng góp máu xương cho Tổ Quốc mà không đòi hỏi gì cả. Vì vậy, chúng ta làm gì đây để không tự biến mình là kẻ vô ơn.
Ngày nay, chúng ta đã được biết khá nhiều về đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ nay là đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh hiện đại chạy từ Bắc vào Nam nhưng còn ít người, rất ít người trong chúng ta biết đến có một “con đường Hồ Chí Minh trên biển” gắn liền với những chiếc “tàu không số”. Do đó, hôm nay Thư viện trường THCS Chu Văn An Tam Kỳ xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc trở lại với con đường huyền thoại để sống lại với các chiến sĩ trên tàu “không số” năm nào.
Rất mong cuốn sách sẽ giúp cho bạn đọc xa gần hiểu biết thêm về một thời kỳ lịch sử đau thương mà hào hùng với những con người anh hùng của dân tộc Việt Nam.Xin trân trọng giới thiệu.
Phan Thị Chiến
Trường THCS Chu Văn An,Tam Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay296
  • Tháng hiện tại19,191
  • Tổng lượt truy cập3,924,228

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3360 | lượt tải:882

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2318 | lượt tải:542

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:5015 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9991 | lượt tải:1552

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2545 | lượt tải:565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây