Ngày xuân nói chuyện câu đối

Thứ sáu - 15/09/2017 14:20
Ngày xuân nói chuyện câu đối
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI
I/GIỚI THIỆU:
Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về là các cụ nhà ta thường có thói quen chơi câu đối. Vì thế, ngày Tết thiếu câu đối chưa là đủ Tết. Trong nhà dù trang hoàng thế nào, thiếu những câu đối đỏ, Tết vẫn phảng phất thiếu một cái gì đó thiêng liêng. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Chơi câu đối người ta chọn từng đôi cho hợp với cảnh, bởi vậy nhiều người tự nghĩ lấy câu đối, viết lấy hoặc thuê ông đồ viết giúp:
 Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông Đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Trên phố đông người qua Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắt ngợi khen tài, Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay (Vũ Đình liên)
Câu đối là cả một nghệ thuật văn chương, chơi chữ, ngắn ngọn, súc tích. Đối ngẫu vốn là thói quen của người phương Đông xưa (do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa), thường dùng để thử tài uyên bác của nhau trong áng văn. Trong khoa cử, thi hương, thi hội các bài văn sách, kinh nghĩa, thơ phú, chế, chiếu biểu... các câu trong bài văn đều phải đối với nhau cả. Chơi câu đối là thú tiêu khiển văn chương lành mạnh, nhưng qua lối chơi chữ nầy, không ít các cụ thâm nho dùng nó để “chơi khăm”, vui đùa, châm chọc hay đả phá tệ đoan xã hội hoặc nhân vật nào đó. Trong văn học Việt Nam có rất nhiều câu đối mang tính chất ấy. Sau đây, một số câu đối nổi tiếng và vài giai thoại về câu đối vui của Văn học Việt Nam.. “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa, Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà" (Nguyễn Công Trứ)
Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu Ủa ! Tết ! Sáng mồng một, lắng tai nghe lời chúc Ồ ! Xuân !” Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân. Tân niên hạnh phúc bình an tiến Xuân nhật vinh hoa phú quý lai Nghĩa là: Năm mới hạnh phúc bình an đến Ngày Xuân vinh hoa phú quý về. Ðấp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng, Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm. Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết, Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân. (Tú Xương) Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt, Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn. Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó, Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo (Nguyễn Khuyến) Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ... Đùng !... ờ ờ... Tết Sáng mùng 1 ra chạm niêu đánh... Cộc !... á à... Xuân Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy tết Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân. Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên Và một số giai thoại về câu đối như sau:
Ngày trước, khi Cao bá Quát đang nghỉ ở nhà, người trong vùng thường hay rủ nhau đến xin câu đối về dán trước nhà, nhất là nhân dịp ngày Xuân ngày Tết. Một hôm, có hai người láng giềng đến cùng lúc. Người đến trước là anh làm nghề đóng áo quan. Người đến sau một chị có thai gần ngày sinh. Cao Bá Quát không cần nghỉ ngợi, cầm bút viết, trao cho anh thợ đóng quan tài: “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ, Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.” Nghĩa là:Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi,Xuân khắp non sông, phúc chật nhà.”Cao Bá Quát khéo dùng hai chữ “Thọ” và “Đường” để nói đến cái quan tài. Ngày xưa người ta gọi quan tài với tên “Cổ Thọ Đường”. Anh thợ đóng quan tài nghe giảng rất thích thú bèn vái chào ra về. Đến người đàn bà có thai. Cao Bá Quát viết: “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm, Xuân mãn càn khôn, phúc mãn.” Nghĩa là“Trời thêm năm tháng, người thêm, Xuân đầy vũ trụ, bụng đầy.” Như vậy, cùng một câu đối, mỗi câu chỉ bỏ chữ cuối cùng, Cao Bá Quát đã tặng hai người ở hai trường hợp khác nhau. Câu đối cho người đàn bà chửa đã thể hiện rất rõ việc người phụ nữ đang mang thai sắp sanh con. Chữ “Phúc” là “Hạnh Phúc” trùng âm với chữ “Phúc” là bụng. (Theo giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Mộng Phách và Kiều Thu Hoạch) Trong câu đối Tết, người ta viết rất cẩn trọng, nội dung thường nói lên tâm sự hoặc ý chí của mình: “Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa, Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.” (Nguyễn Công Trứ).
Câu đối cũng nói lên ý chí, khí phách cá tính con người. Khi còn đi học, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một hôm bị trượt chân té ngã, đám học sinh được dịp reo cười. Bà liền ứng khẩu: “Đưa tay với thử trời cao, thấp. Xoạc cẳng đo xem đất ngắn, dài.”Cao bá Quát đã để lại hậu thế những câu đối rất nổi tiếng, trong đó câu: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Hàng chục năm giao du để tìm kiếm kẻ anh hùng. Một đời ta luôn cúi đầu vái lạy hoa mai.) vừa biểu lộ tình cảm nồng nàn vừa nêu cao khí phách ngang tàng.Trong khi cụ Tam Nguyên Yên Đỗ nhà ta lại “yên vị”: “Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưỡng.Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử lao nhao. Câu đối còn là cách đo lường khả năng ứng đối của đối tượng. Chẳng hạn như: Anh học trò đối lại câu đối của quan: "Miệng nhà quan có gang có thép/ Trôn nhà khó vừa nhọ vừa thâm". Hay câu đối của Trạng Quỳnh đối lại viên sứ tàu: “Sấm động Nam Bang/ Vũ qua Bắc hải”. Trong câu đối, người ta thường chọn cách “chơi chữ” để thử tài nhau như: "Đi đất Thịt đường trơn như Mỡ,/Ngồi cộ Da gió mát tận Xương”. Hay giai thoại sau Một hôm gặp Trạng Quỳnh, Đoàn Thị Điểm liền xướng: “Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long”. Trạng Quỳnh liền đối: “Quả dưa chuột, ruột chẳng gang, thử chơi thì thử.” Ở vế xướng, đối rất khó ở những chữ rồng, long. Long chữ Hán nghĩa là rồng. Nhưng trạng Quỳnh lại cắc cớ: “... Thử... chơi thì thử”. Thử, theo Hán Nho nghĩa là chuột. Nhưng thâm ý Trang Quỳnh bảo Bà Điểm hãy thử,...với ông để biết...đá vàng. Khi Lưỡng Quốc Trạng Nguyên, đi sứ Trung Quốc, trên đường ngang qua Ải Nam Quan, đến ải thì trời đã tối, cửa ải đóng lại. Quan coi cửa ải bèn ra câu đối: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan?” (nghĩa là: Qua cửa ải quan chậm, cửa quan đóng mất, khách qua cửa ải nghĩ thế nào?”. Mạc Đỉnh Chi đối ngay: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên sinh đối!” (Ra câu đối thì dễ, đối lại mới khó, mời tiên sinh đối trước!”. Trước tài mẫn tiệp và lịch thiệp, tướng giữ cửa bèn mời Mạc Đỉnh Chi vào tiếp đãi. Những câu đối được xem là “tử đối”, là vì ngoài câu đối đó ra, không ai có thể tìm câu đối khác, như: “Ngựa Kim ăn cỏ Chỉ,/Chó Vá, cắn thợ May.” Hay là: Da trắng vỗ bì bạch..v..v
II/ KHẢO SÁT VỀ CÂU ĐỐI:
Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nên lưu ý là từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Trung Quốc và Việt Nam.
1/Đối ý và đối chữ
-Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành 2 câu sóng nhau.
-Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh và loại.
- Về thanh: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.
- Về loại: thực tự (loại từ có thể làm thành phần chính của câu) phải đối với thực tự; hư tự (như phó từ, tình thái từ...) phải đối với hư tự; danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ; nếu vế đối này có đặt chữ Hán thì vế kia cũng phải đặt chữ Hán..v.v.
2/Vế câu đối:
Một đôi câu đối gồm hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế. Nếu câu ấy từ một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra và vế đối. Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối, vế trên, câu bên phải (khi treo) là thanh trắc; còn chữ cuối, vế dưới, câu bên trái là thanh bằng.
3/Các loại câu đối:
Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như: mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới... Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc. Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm (Nguyễn Khuyến, viết mừng một chánh tổng trước bị cách chức, sau được phục sự và làm nhà mới.)
Câu đối phúng: làm để viếng người chết. Nhà chỉn nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam đá chân chiêu, ví tớ đỡ đần trong mọi việc Bà đi đâu vợi mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ,gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm. (Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)
Câu đối Tết: làm để dán nhà, cửa, đền, chùa...về dịp Tết Nguyên Đán. Tết đến không tiền vui chi Tết / Xuân về hết gạo đón chi Xuân.(Tác giả Nguyễn Công Trứ-câu đối làm vào dịp tết lúc còn hàn vi.)
Câu đối thờ: là những câu tán tụng công đức tổ tiên hoặc thần thánh làm để dán hoặc treo những chỗ thờ. Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ. Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên. (Dịch nghĩa: Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân. Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết) hoặc:
Câu đối tự thuật: là những câu kể ý chí, sự nghiệp của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi. Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác. Trời đất nhẻ! gắng một phen này nữa, xếp cung, kiếm, cầm, thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh (Nguyễn Công Trứ, câu đối tự thuật)
Câu đối đề tặng: là những câu đối làm ra để đề vào chỗ nào đó hoặc tặng cho người khác. Nếp giầu quen thói kình khơi, con cháu nương nhờ vì ấm Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng (Lê Thánh Tông, câu đối đề ở một hàng bán giầu (trầu) nước)
Câu đối tức cảnh: là những câu tả ngay cảnh trước mắt. Giơ tay với thử trời cao thấp Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài (Hồ Xuân Hương, vịnh cảnh trượt chân, ngã xoạc cẳng)
Câu đối trào phúng: là những câu làm để chế diễu, châm chích một người nào đó. Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại. Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi (Câu đối tặng một người chột mắt mới đỗ khoa thi võ)
Câu đối tập cú: là những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở tục ngữ, ca dao. Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng. Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.
Câu đối thách (đối hay đố): người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa... Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại (Câu đối có bốn chữ : cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh) Có những vế câu đối rất khó đối như: Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử. Vế này khó đối vì hồi hương (cũng có nghĩa "về quê") và phụ tử (cũng có nghĩa "cha con") đồng thời lại là tên gọi các vị thuốc. Vế đối của Đoàn Thị Điểm thách Trạng Quỳnh, cũng là câu đối chưa tìm ra đối thủ: Da trắng vỗ bì bạch Cái khó nhất của câu đối này là diễn tả cảnh người phụ nữ đang tắm. “Bì bạch” ngoài nghiã “da trắng” nó còn là từ láy miêu tả âm thanh của tiếng vỗ vào da có nước (Vì khi đó bà đang tắm). Trạng Quỳnh đối lại "trời xanh màu thiên thanh" nhưng từ “thiên thanh” nghĩa còn hạn chế rất nhiều so với vế xuất. Hiện nay, có khá nhiều người đối nhưng chưa chỉnh như "rừng sâu mưa lâm thâm" …
III/ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG: Thơ Đường luật hay Thơ luật Đường là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường (Tang), Trung Quốc. Vì giáo dục, thi cử... đều bằng tiếng Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán, trong đó có thơ theo luật Đường. Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt . Thể loại thơ này của Việt Nam kéo dài từ thời nhà Trần cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Kể từ phong tràoThơ Mới trở đi, số người trong nước làm luật thi đã bị giảm đi đáng kể. Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Đối chữ; danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh; trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh... Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi "thất đối". Ví dụ: hai câu 3, 4 trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà, "Lom khom" đối với "lác đác" (hình thể : co lại và giãn ra), "dưới núi" đối với "bên sông" (vị trí địa hình), nếu nối hình ảnh hai câu trên "lom khom dưới núi" và "lác đác bên sông" thì vì một câu diễn tả về cảnh động, còn một câu diễn tả về cảnh tĩnh, .Hai vế tiếp: "tiều vài chú" đối với "chợ mấy nhà" (đối lập về số lượng và tĩnh/động). Sự đối lập của hai câu thơ diễn tả cái nỗi buồn của một chiều đèo Ngang. Cái nhỏ bé co cụm của con người hiện lên trên cái ngút ngàn mênh mông của thiên nhiên. Có người, có chợ , nghĩa là có hơi thở của cuộc sống đấy nhưng lại không làm cho bức tranh thiên nhiên tươi vui mà càng làm cho nó quạnh hiu và vắng lặng hơn.
Ngày xuân, một vài vài  luận bàn về câu đối, ngõ hầu cung cấp cho bạn đọc những điều thú vị trong kho tàng văn học văn hóa của người Việt ta. Rất mong đón nhận những đóng góp ý kiến của bạn đọc gần xa. Trân trọng kính chào. 
TỔ NGỮ VĂN TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN TAM KỲ, QUẢNG NAM
( Trong bài có tham khảo thêm trên Internet )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay2,080
  • Tháng hiện tại23,742
  • Tổng lượt truy cập3,928,779

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3367 | lượt tải:883

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2322 | lượt tải:544

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:5024 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:10000 | lượt tải:1553

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2550 | lượt tải:566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây