Giới thiệu sách kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Tam Kỳ

Thứ năm - 15/09/2011 14:53
Giới thiệu sách kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Tam Kỳ


GIỚI THIỆU SÁCH
NHÂN KỶ NIỆM 37 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TAM KỲ
TÁC PHẨM: Tam Kỳ-Qua sóng phế hưng
Kính thưa quí thầy cô!
          Các em học sinh thân mến!
          Trong không khí tưng bừng của tháng Ba với những ngày lễ trọng đại của dân tộc, chúng ta lại có dịp gặp nhau. Đó là những ngày lễ lớn mà các em đã biết. Và chắc các em khó quên một ngày lễ đáng nhớ nhất của nhân dân Tam Kỳ- ngày 24/3.
Lời đầu tiên, cô chúc các em mạnh khoẻ, học giỏi, chăm chỉ học hành. Hôm nay, nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Tam Kỳ(24-3-1975à24-3-2012), chúng ta cùng nhau ôn lại những truyền thống đấu tranh giữ nước, chống lại giặc ngoại xâm, đem lại hoà bình, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay, cô xin được phép giới thiệu tác phẩm: TAM KỲ-QUA SÓNG PHẾ HƯNG của tác giả Nguyễn Q. Thắng do Nxb Văn học ấn hành năm 2012, dày 350 tr. với mong muốn đem đến cho các em thêm một hiểu biết mới về Tam Kỳ- đây thực sự là những giá trị văn hoá-lịch sử mà cha ông ta đã dày công vun đắp từ một “Tam Kỳ làng” rồi Xã, rồi Phủ để đến bây giờ là thành phố Tam Kỳ.
Các em thân mến!
Nguyễn Q.Thắng tên thật là Nguyễn Quyết Thắng. Ông sinh năm 1940 tại Trường Xuân, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Thuở nhỏ, ông trải qua một thời gian giữ trâu, làm ruộng ở quê nhà. Lớn lên, ông đã học xong các chương trình Tú tài, Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ (năm 1975).
Ông có nhiều công trình biên khảo văn học và sử học, đã từng là giảng viên ở các trường: Đại học Văn Khoa, Sư Phạm Cần Thơ, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Nguyễn Q.Thắng là người con của Tam Kỳ, yêu tha thiết mảnh đất chôn nhau cắt rốn nên ông luôn đau đáu nhớ về vùng quê-một phần máu thịt của mình. Ông viết nhiều về Tam Kỳ với những tư liệu thật phong phú và dồi dào của một người con am hiểu về mảnh đất yêu thương, như ông tâm sự ngay ở trang đầu của cuốn sách: “...Nay tuổi cũng bộn bàng, sức khoẻ đã mòn mỏi vì năm tháng cùng thế thái nhân tình...do đó, chúng tôi lục lại mớ tài liệu xưa tạm dựng lại hình hài, vóc dáng, tâm thức (của đồng bào) chốn nhau rún làm kỷ niệm lúc tuổi vãn niên...mong gởi đến bạn đọc chốn cố hương xa gần; nhất là các bạn trẻ thiếu quĩ thời gian để ôn cố”.(tr.9-10)
Các em học sinh thân mến!
Có một điều hết sức thú vị mà các em cần phải biết, đó là tác phẩm: TAM KỲ- QUA SÓNG PHẾ HƯNG là công trình vừa ra mắt vào đầu năm 2012. Đây có lẽ là tác phẩm mới nhất của ông về mảnh đất quê hương, là món quà quí gửi tặng chúng ta nhân ngày lễ trọng đại này. Do đó, Tam Kỳ ở trong ông không những có một vị trí hết sức đặc biệt, là vị trí trung lộ của cả nước, có tầm quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh,…mà Tam Kỳ còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá. Trải qua nhiều thế kỷ phấn đấu không mệt mỏi, từ một vùng đất khô cằn sỏi đá với thiên nhiên lắm dốc nhiều đèo, người dân Tam Kỳ đã tạo dựng một cuộc sống tương đối dễ chịu trên vùng đất giàu tiềm năng nhưng không kém phần khắc nghiệt, cùng nhân dân cả nước xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.
Nội dung của tác phẩm là tập hợp những tư liệu quí giá nghiên cứu về vùng đất Hà Đông xưa- Tam Kỳ hôm nay. Đó là vùng đất gồm: Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My và Thành phố Tam Kỳ ngày nay. Tác giả đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu thật cụ thể về Tam Kỳ. Ví dụ: Tên gọi Tam Kỳ có từ bao giờ? Sự thay đổi địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử? Những giá trị văn hoá, tiềm năng của vùng đất này?...đặc biệt ở tr. 117-120, với tiêu đề: “Tiếng nói (thổ âm) Quảng Nam-Tam Kỳ...”, tác giả đã phiên thành thơ:
“Quê tôi A phát thành Oa.
Ă (Á) thành E hết, Ao ra Ồ hồ.
Ai ra âm Pháp Eur, Oeur,
C (xê), T (tê) tự cuối chẳng ai bận lòng
Đào tra tự điển tổ bưng cái đầu.
Rứa, răng, mô, hỉ hỏi ư?
Nớ, tê, ni, trển và câu trả lời.
Chu choa lâu rứa, lơi bơi trổ trời.
Ba nhe là bậu ba rơi,
Ba lia, ba lém cùng đời ba lơn.”...
Các em thấy không? Dân chúng ta thật hài hước, dí dỏm khi tự trào về ngữ âm địa phương của mình như vậy. Chưa hết, còn nhiều điều thú vị về vùng đất và con người Tam Kỳ rất đáng để chúng ta tìm hiểu về tác phẩm này lắm...nhưng quan trọng nhất vẫn là “...suy ngẫm của tác giả về sự hưng phế của đất Hà Đông xưa và Tam Kỳ hôm nay...và luôn mong ước Tam Kỳ mãi mãi hưng mà không phế trong tâm thức đồng bào toàn quốc và Tam Kỳ nói riêng”. (tr. 343)
Thành phố Tam Kỳ chúng ta hiện nay gồm 9 phường, 4 xã với diện tích gần 93 km2, dân số gần 12 vạn người. Dân số hầu hết là người Kinh chuyên nghề buôn bán, dịch vụ, nông nghiệp,…. Từ bao đời nay, nhân dân Tam Kỳ luôn đoàn kết, hợp thành một khối thống nhất, cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương khi có giặc ngoại xâm, cùng nhau xây dựng quê hương bằng nội lực để phát triển vững bền và chắc chắn. Do đó, chúng ta có quyền hy vọng rằng: Tam Kỳ mãi mãi hưng mà không bao giờ phế trong tương lai.
Các em học sinh thân mến!
Tác phẩm được kết cấu chặt chẽ, được chia làm 3 phần:
1/ Phần thứ nhất là lịch sử giữ nước và mở cõi, văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội...của người Việt trên mảnh đất Hà Đông-Tam Kỳ.
2/ Phần thứ hai là lịch sử chống ngoại xâm và truyền thống yêu nước của nhân dân ta.
3/ Sinh hoạt văn hoá độc đáo của con người nơi đây-Hát Nhơn ngãi ở Quảng Nam-Tam Kỳ.
Đây có lẽ là niềm tự hào nhất của người con xa xứ khi nhớ về cố hương với phần sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà không thể có ở nơi đâu. Riêng ở phần hát Nhơn ngãi, tác giả đã dành hẳn một chương để viết về nó. (từ tr. 275 đến tr. 342).
Ở phần này, với phần nghiên cứu kỹ lưỡng của tác giả, các em sẽ bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết về vốn văn hoá độc đáo của xứ sở để tăng cường sự hiểu biết về văn học địa phương - Hát Nhơn ngãi. Qua đó, các em thêm yêu quí quê hương mình.
         
Thật hãnh diện và tự hào biết bao khi biết được cha ông ta rất thông minh, hài hước, dí dỏm và cũng vô cùng lãng mạn, hào hoa trong những buổi hát đối đáp-hò khoan được tái hiện sinh động qua từng trang sách của tác giả. Hát Nhơn ngãi thật đặc biệt, độc đáo hơn bất cứ hình thức nghệ thuật nào khác trên khắp đất nước ta. Đó là: bắt đầu hát là phải bắt tay vào công việc nào đó: đập lúa, rứt đậu, bẻ khoai, giã gạo,...vì vừa làm vừa hát nên không câu nệ về trang phục, dụng cụ và phong cách biểu diễn. Nhạc đệm là những câu xướng tập thể như: “hố khoan hố hợi là hò khoan...” xen lẫn với tiếng khua rộn ràng của nông cụ: tiếng cối xay, tiếng chày khua, tiếng đập lúa,...kết thúc buổi hát là lúc công việc đã xong. Thậm chí nhiều lúc hứng khởi quá, tâm tình chưa thổ lộ được với đối phương mà công việc đã hết rồi, họ bèn hò nhau bỏ vỏ trấu vào cối để giã, và giã thật sung để giãi bày tình cảm.
Ở tr. 341, tác giả viết: “Hát Nhơn ngãi là một loại ca lao động...loại hát này không dính dáng gì đến lễ lạc hội hè, không dùng trong các lễ hội. Người tham gia-cả các thính giả-hát xướng không sống về nghề hát này, bởi họ không phải là người hát chuyên nghiệp, nhưng không phải ai cũng hát được vì sự phong phú và đặc thù của nó...”. Và: “Việc quan trọng nhất là muốn hát, điều kiện tiên quyết và tất yếu là phải thông minh, lanh lợi...” để đối đáp lại đối phương, để khi xong buổi hát, mọi người luôn nhớ về nhau, kết ân, kết nghĩa, có khi còn “phải lòng nhau” nữa...đúng là không ở đâu trên thế giới này lại có kiểu hát lạ lùng như thế và thú vị đến như thế! Đúng như tác giả nhận xét: “Hát Nhơn ngãi..là một loại hình văn hoá dân gian giàu tính nhân văn. Nó hàm chứa cái chung của người Việt mà lại giàu tính địa phương, đặc thù của văn nghệ dân gian.”
         
Tập sách TAM KỲ- QUA SÓNG PHẾ HƯNG được biên soạn công phu, nghiêm túc, trên cơ sở là những tư liệu chính xác và đầy ắp tình quê. Chắc chắn rằng đây là nguồn tài liệu quý giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống yêu nước cũng như nét độc đáo trong kho tàng văn hoá xứ Quảng-Hát Nhơn ngãi. Các em hãy tìm đọc. Trân trọng giới thiệu với các em!
Thư viện trường THCS Chu Văn An, Tam Kỳ
Phan Thị Chiến


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay478
  • Tháng hiện tại10,386
  • Tổng lượt truy cập3,915,423

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3349 | lượt tải:878

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2315 | lượt tải:540

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:5002 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9961 | lượt tải:1544

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2536 | lượt tải:561
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây