Bài viết Đồng vọng

Chủ nhật - 17/09/2017 20:22
MIỀN NHỚ

  Thương tặng thầy Chương, Cô Tuyết Mai, Cô Hồng về hưu trong năm học này
Tam Kỳ cuối thu rồi mà chẳng tìm đâu ra những màu lá vàng mơ để gởi nhớ gởi thương cho miền ký ức. Nhưng may mắn thay, từ đâu đó vẫn có chút heo may ùa về bất chợt, làm vàng thêm những sợi nắng vương mành, bỗng cho ta "thèm" lắm một chiếc lá rơi, “thèm” lắm một mùa thu vàng rực...một tình thu ở lại.
Ừa thì thu cứ dửng dưng với mảnh đất này đi. Lá cứ mãi thắm xanh đi để đừng bao giờ cho ta nhìn thấy sự héo úa. Lá xanh ơi! đừng bao giờ cho ta cảm nhận sự chia lìa.
Nhưng qui luật của tự nhiên không ai có thể thay đổi. Lá sẽ vàng rồi rụng đi để cho mầm xanh hé nụ. Lá rụng đi cho sự sống bắt đầu. Lá xanh rồi vàng lại xanh chính là sự chuyển tiếp cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Vẫn biết lá vàng lá xanh là phải theo qui luật tự nhiên. Vẫn biết qui luật muôn đời là thế nhưng sao trong ta vẫn đầy lên một cảm giác chông chênh, trống vắng, vô cùng khó tả khi bắt đầu năm học mới này.
Và mùa thu này ở tại nơi đây, đang có một sự chuyển tiếp…
Đầu tiên là sự chia tay đầy luyến tiếc của thầy giáo đa tài Nguyễn Ngọc Chương-một người anh kính mến-một nhà thơ tài hoa.
Điều nổi bật nhất ở thầy là một thầy giáo dạy văn “cực đỉnh”. Mỗi lần “đứng lớp” là mỗi lần “lên đồng” với những áng thơ văn tuôn chảy như “rút trong ruột” ra. Học trò nhớ về thầy là nhớ đến từng bài học ấm áp với lời giảng khúc chiếc, hấp dẫn, say mê. Từng lời thầy là nỗi niềm đau đáu với quê hương yêu dấu, là tấm lòng nhân ái bao dung luôn rộng mở. Đồng nghiệp mến mộ anh bởi tình yêu và lòng tận tụy với nghề, bởi anh luôn tìm tòi những hướng đi mới cho từng bài giảng ngày càng hấp dẫn hơn.
Khoan hãy nói đến vai trò hội viên Hội Văn học nghệ thuật quê nhà. Ở đây, ở tại ngôi trường này, nghiễm nhiên anh được mọi người “công nhận” anh là một nhà thơ tài hoa. Tài hoa nhất có lẽ là lúc anh “nhập vai” vào “tác giả” khi “biên tập” lại những “bài thơ” được gửi cho những “đứa con” Đồng Vọng hằng năm. Kỳ diệu thay, anh chỉ cần “cắt”, “dán”, “gạch, xóa”, “chen, móc”, “thay”, “chỉnh” vài “từ”, vài “câu” là bài thơ mới ra đời “hoàn chỉnh, hấp dẫn” nhưng lại đúng y chang “ý đồ” của tác giả. Thế mới tài!.
Những ai từng công tác ở trường Chu Văn An đều không bao giờ quên mục “Điểm báo” của tập san Đồng Vọng với từng đề tài thay đổi theo từng năm học. Bài viết thật sự hấp dẫn. Thêm vào đó là lời bình “hút hồn” của anh. Từng lời bình khúc chiết như đi từ tâm can. Lúc mạnh mẽ hùng hồn, lúc dí dỏm, lúc vui tươi hài hước, lúc chùng xuống đầy cảm xúc, mượt mà,…đã làm cho tất thảy mọi người đều cảm thấy “có mình trong đó” và “được sẻ chia”. Tất cả hồi hộp lặng yên chờ đón. Đây có lẽ là điều đáng nhớ nhất về anh mỗi khi trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Do đó, ai cũng hụt hẫng khi anh nhận quyết định nghỉ hưu dù nghe anh “thông báo” từ cuối năm học trước.
Anh chia tay ngôi trường từng gắn bó với anh nhiều kỷ niệm, âu đó cũng là kỷ niệm đẹp cuối cùng của nghề dạy dạy học, để anh gói ghém nâng niu khi trở về với ngôi nhà nhỏ ấm áp của mình. Cầu chúc anh mạnh khỏe và hạnh phúc.
Chiếc lá thứ hai mà ai cũng nghĩ là “tạo hóa” đã “trao nhầm” trong năm học này là cô hiệu trưởng, cô giáo-người chị Giao Thị Tuyết Mai.
Tại sao lại có sự ví von như vậy? Vì chỉ còn hai tháng nữa thôi là về hưu nhưng trông cô vẫn còn rất trẻ. Trẻ ở hình dáng bên ngoài lẫn tính cách bên trong.
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, của lớp lớp học trò, của bao bậc phụ huynh.
Cô giáo Tuyết Mai về trường Chu Văn An này từ năm 2009 với cương vị là lãnh đạo. Ở vị trí này, cô luôn nghiêm khắc với bản thân. Với thầy cô trong trường, cô luôn quan tâm chia sẻ. Trong tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, cô luôn biết cách phát huy tài năng từng cán bộ giáo viên và xây dựng được mối đoàn kết thân ái mọi người với nhau. Những chuyển biến mạnh mẽ, từ diện mạo đến cảnh quan sư phạm cũng như chất lượng dạy học cùng với sự phát triển phong trào mũi nhọn vượt bậc trong nhiều năm qua là nhờ có công rất lớn của cô.
Như vậy cô đã gắn bó với trường được 6 năm. Hơn 6 năm ấy cô đã đóng góp bao công sức để dựng xây nên “tên tuổi” trường Chu Văn An được như ngày hôm nay. Đó là trường luôn ở vị trí cao trong các trường của thành phố Tam Kỳ. Thương hiệu của trường đủ để mọi người có quyền tự hào khi nhắc đến tên.
Giờ đây, khi nghe cô nhận quyết định nghỉ hưu (hết tháng 1/2016), mọi người mới thảng thốt nhận ra, cô đã đến lúc ra về để nhường lại cho lớp trẻ kế cận tiếp bước.
Chia tay cô, ai cũng đều tiếc nhớ người hiệu trưởng hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Người giáo viên tận tụy, người chị chân tình, dễ mến. Ra về mong chị luôn vui vẻ, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời.
Có lẽ “ông thần thời gian” đã “bỏ quên” mất một chiếc lá nữa mà ta không thể không nhắc đến. Đó là cô giáo-người chị đáng yêu Đặng Thị Hồng.
Chị Hồng quá trẻ so với tuổi ngoài 50 của chị. Truy tìm nguyên nhân cái “vụ trẻ” này, ta phải “gật gù” ngưỡng mộ và thán phục: Chị là một trong những người phụ nữ “sướng nhất quả đất” này.
Cái “sướng” đầu tiên là sự đam mê thể thao. Chị có năng khiếu môn cầu lông và luôn “hết mình” với nó. Chị luyện tập hầu như mỗi ngày bất kể nắng mưa. Có lẽ vì vậy mà thân thể chị luôn rắn chắc khỏe khoắn, bước đi nhanh nhẹn hoạt bát toát lên một tinh thần lạc quan yêu đời. Không những luyện tập thể thao cho khỏe mạnh, chị còn đi dự thi cầu lông ở các giải lớn trên khắp mọi miền đất nước. Chị vinh dự “rinh” về biết bao nhiêu là huy chương vàng, bạc mà ai ai nhìn thấy cũng ước ao.
Cái “sướng” nữa là gia đình chị có hai đứa con đã trưởng thành, đã tự lập lo lắng làm ăn. Như vậy đã là điều hạnh phúc không những cho gia đình, dòng họ mà còn cho cả xã hội nữa.
Còn cái “sướng” nhất mà anh chị em trong trường đều phải ghi nhận. Đó là chị có một “đức lang quân” “tuyệt cú mèo”. Anh luôn dành cho chị là sự quan tâm đúng mực, sự sẻ chia ân cần. Hơn thế, mỗi khi nhắc về chị, ánh mắt anh ngời lên hạnh phúc. Đó là điều dễ nhận thấy nhất về tình yêu mà anh hết lòng dành cho vợ và gia đình của mình.
Thật ngỡ ngàng khi nghe chị bảo đầu năm 2016 này chị nghỉ hưu. Hồ sơ, giấy tờ của chị có nhầm gì chăng? Chị về theo nguyện vọng của chị sao? À! Té ra, chị về hưu theo diện “trước tuổi” và cũng muốn “nhường bục giảng” cho lớp trẻ tiếp bước cha anh.
Chia tay chị, trường không còn cô giáo Hồng dạy toán giỏi, vẫn còn trẻ khỏe, đam mê với thể thao, nhiệt tình với các chuyến tham quan dã ngoại, một giọng hát “có hồn” trong các chương trình văn nghệ của nhà trường.
Thật tiếc nhớ biết bao khi lần lượt chia tay với các thầy cô. Ngôi trường bỗng như muốn trống vắng, rộng thênh thênh,…thầy cô ơi! Em yêu tất cả.
Ta vẫn hoài nhớ câu thành ngữ “tre già măng mọc” nhưng cảm giác chia ly ngậm ngùi vẫn còn lưu dấu mãi. Chia tay rồi, ai cũng đều đem theo bên mình chút kỷ niệm đẹp với ngôi trường yêu dấu. Ai cũng nâng niu một miền-nhớ…chưa xa.
Thiện Chí 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,288
  • Tháng hiện tại4,608
  • Tổng lượt truy cập3,478,908

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3173 | lượt tải:810

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2150 | lượt tải:477

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:4500 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9068 | lượt tải:1457

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2320 | lượt tải:499
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây