Chu Văn An - Nhà giáo dục hàng đầu Việt Nam

Thứ hai - 18/01/2010 09:04
Nhiều học trò của ông đã thành đạt trong con đường khoa cử, giữ các chức vụ cao trong triều đình. Ông được xem là người thầy nổi tiếng của nền giáo dục nước nhà trong buổi bình minh, một trong những danh nhân của đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của giáo dục nước nhà
Chu Văn An sinh ra trong một gia đình bình thường, nhưng học giỏi, đạt mức “học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa”. Ông đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan mà về quê mở lớp dạy học. Trường học được Chu Văn An đặt tên là trường Huỳnh Cung. Trường có lớp học, có thư viện. Ông là một nhà giáo có học vấn uyên bác, phong cách mẫu mực, nhân cách cao thượng, đầy nhiệt huyết nên học trò theo học rất đông, có lúc “lên tới 3000 người”. Không chỉ học trò trong làng và các vùng lân cận đến học mà trường còn thu hút học trò từ các tỉnh xa như Hải Dương, Thanh Hóa. Thầy Chu Văn An đã đào tạo được nhiều học trò giỏi. Khóa thi năm Giáp Dần (1314), trường Huỳnh Cung có hai học trò đậu Thái học sinh là Phạm Sư Mạnh và Lê Quát. Uy tín của thầy vang dội, được cả nước biết đến và hiện tượng này trở thành mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nền giáo dục nước nhà. Vua Trần Minh Tông đã vời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tức phó hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), dạy Thái tử học.
 
Tài đức cảm hoá quỷ thần
Một huyền thoại được lưu truyền về ngôi trường và nhân cách, đạo đức của ông như sau: “Khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà có nhiều học trò theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm để nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết đó là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, khi giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại nhưng sau đó đứng ra xin nhận và nói với thầy: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin thì khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn thần nước bèn lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến làng này thành làng văn học, là quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô thì Nhậm,…Hai câu đối sau trong đền thờ thần là minh chứng cho sự tích này:
"Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận
Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô"
(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa).
Câu chuyện trên chỉ là một giai thoại về thầy Chu, nhưng qua đó ta thấy được tài đức của thầy có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần.
 
Thầy giáo giỏi của muôn đời
Tại kinh đô, là Tư nghiệp ở Quốc Tử giám, thầy Chu đã kèm cặp thái tử Trần Vượng, đào tạo vua mới cho nước. Đồng thời ông còn chăm lo việc mở mang Quốc Tử giám – trường đại học đầu tiên của nước ta. Ông viết: “Tứ thư thuyết ước”, tóm tắt 4 bộ sách lớn: “Luận ngữ”, “Mạnh tử”, “Đại học”, “Trung dung” làm giáo trình giảng dạy trong trường. Ông cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi vào con đường khủng hoảng, suy thoái. Thầy Chu Văn An nhiều lần can ngăn Dụ Tông mà không được. Triều đình thối nát, vua ham vui chè chén dẫn đến việc bọn gian thần nổi lên ngày càng nhiều ở khắp nơi, nhân dân khổ cực trăm bề. Trước tình hình đó, Chu Văn An viết “Sớ thất trảm” đòi chém đầu 7 tên quyền thần gian nịnh. Việc làm của ông làm chấn động dư luận đương thời. Sớ trảm của ông không được nhà vua chấp thuận, Chu Văn An đã “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” rồi bỏ quan về ở ẩn tại núi Phương Sơn thuộc Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Dương) và lấy hiệu là Tiều Ẩn (nghĩa là người đi ẩn hái củi). Mặc dù về nơi xa ở ẩn nhưng học trò của cụ đến học không hề giảm, bởi tầm ảnh hưởng của cụ thật lớn. Ngoài việc dạy học, thầy Chu còn trồng cây thuốc, nghiên cứu y học, chữa bệnh cho dân và làm thơ, viết sách. Sử sách còn ghi lại những cuốn sách của ông là “y học yếu giải”, “Quốc ngữ thi tập”, “Tiều Ẩn thi tập” và một số tác phẩm thơ ca bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.
Nhiều lần vua Dụ Tông và Nghệ Tông mời Chu Văn An về triều nhưng cụ vẫn từ chối. Tuy nhiên, là một người tâm huyết với đời nên những khi có triều hội, cụ vẫn về kinh tham dự. Lúc đã 77 tuổi, khi Trần Nghệ Tông dẹp loạn Dương Nhật Lễ, cụ cũng chống gậy về Thăng Long chúc mừng, rồi lại về Chí Linh, lấy cớ là già nua đau yếu để từ chối chức tước. Ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Chu Văn An mất, ông thọ 79 tuổi. Sau khi ông qua đời, vua Trần dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu, ngoài ra vua còn ban thụy cho ông là Văn Trinh nhằm biểu dương một con người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên định. Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng giành được địa vị cao quý bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Ông là người đã vượt qua ngưỡng cửa “làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời.” như Phan Huy Chú đã ca tụng ông: “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.
 
Box: Chu Văn An (hiệu là Tiều Ẩn) sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) tại làng Quang, thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo Đăng khoa học bổ dị, ông thi đậu Thái học sinh (như tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà trở về mở trường dạy học trên một cánh đồng tại làng Huỳnh Cung, giáp với thôn Văn.
Minh Thứ (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay2,241
  • Tháng hiện tại21,226
  • Tổng lượt truy cập3,540,789

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3196 | lượt tải:820

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2172 | lượt tải:484

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:4613 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9164 | lượt tải:1465

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2340 | lượt tải:506
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây