KỈ NIỆM LẦN THỨ 24 NGÀY NHÀ GIÁO VIỆTNAM
(20-11-1982-20/11/2006)
-Ngày 20/11/1982, ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là chính phủ đã kí quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm làm ngày kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt nam.
Ngày 20-11 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, đây cũng chính là ngày hội truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt nam chúng ta. Biết bao nhà giáo, biết bao thế hệ đã tận tình tâm huyết với nghề, luôn nêu cao đạo đức, phẩm chất của Nhà giáo tất cả vì học sinh thân yêu. Bên cạnh những kết quả tốt đẹp, những thành tựu to lớn của nền giáo dục ViệtNamkhông thể phủ nhận, giáo dục chúng ta vẫn còn những hạn chế, Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi chúng ta cần sớm khắc phục.
Kỉ Niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngành giáo dục chúng ta đang đồng hành cùng cả dân tộc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X. Thực hiện những định hướng lớn về lĩnh vực giáo dục-đào tạo đó là đổi mối toàn diện về giáo dục-đào tạo, đào tạo những con người Việt Nam có lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất tốt, có năng lực, bản lĩnh để thích ứng những biến đổi của xã hội trong kinh tế thị trường, những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, xây dựng cả nước thành “một xã hội học tập”với ý nghĩa:”một nền giáo dục cho mọi người và do mọi người”. Huy động mọi lực lượng xã hội tham gia phát triển giáo dục trong điều kiện mới. Khắc phục những mặt yếu kém và những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục trái với bản chất của những người làm công tác giáo dục trái với bản chất chế độ, tạo đà cho việc chấn hưng nền giáo dục ViệtNam.
Từ những định hướng trên, toàn ngành đã có chủ trương thực hiện cuộc vận động”Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây là việc làm vừa mang tính cấp bách nhưng đồng thời đòi hỏi cần có thời gian để giải quyết.
Với những ý nghĩa trên đón mừng ngày hội Nhà giáo ViệtNamnăm nay, mỗi chúng ta cần phải ra sức, nổ lực nhiều hơn nữa để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng ta đang phải đón nhận sức nặng của quá khứ, sự hối hả của hiện tại và tương lai.
Cố thủ tướng Phạm văn Đồng đã từng nói:”Người thầy giáo là những chiến sĩ vô danh, họ giàu lòng nhân ái, vị tha tận tụy với nghề, luôn có cuộc sống giản dị, mẫu mực trong sáng, cần cù sáng tạo trong lao động dạy học, yêu nước luôn có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Dẫu những người tốt lúc nào đó có bị số phận trớ trêu đùa cợt và thử thách thế nào đi nữa thì các nhà giáo chân chính của chúng ta vẫn khẳng định được đức độ của mình, khẳng định được một “chữ tâm”muôn đời trong sáng trước bảng đen, phấn trắng, trước sự nhìn nhận của xã hội và trước tâm hồn của học sinh.
“Đồng vọng”chúng ta sẽ tiếp tục phát triển những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo ViệtNam.
BAN BIÊN TẬP
VẦNG TRĂNG KHUYẾT
|
LỚP HỌC MÙA ĐÔNG |
Ngoảnh mặt ngắm trăng tròn
Tôi chỉ thấy vầng trăng khuyết
Bất chợt nửa đêm thao thức
Đầu giường tia sáng nhỏ nhoi
Rồi cũng nhạt nhoà thôi
Vì mây đen che khuất
Cũng tại vầng trăng khuyết
Làm đêm đêm giật mình.
Nguyễn Thị Khương |
Gió gửi mùa đông
Về trong sắc lá
Chùm xoan buồn bã
Ngẩn ngơ trong chiều
Lớp học thương yêu
Dù đông buốt giá
Taynắm chặt tay
Mà sao ấm lạ
Chiếc lá bay bay
Mắt trò mắt cô
Bất chợt nhìn nhau
Yêu thương vô hạn
Dù chiều chạng vạng
Đông lạnh lẽo nhiều
Chiếc lá nâng niu
Lòng ta vẫn ấm.
Lê Nguyễn Tố Trinh |
MỘT CHUYẾN THAM QUAN
Ngày 05-06-2006 một ngày tôi nhớ mãi, đúng 5giờ 30 phút chúng tôi tề tựu đầy đủ ở sân nhà văn hoá thành phố trong một tâm trạng đầy hao hức, phấn khởi…
Sau phút chốc cạn ly cà phê với những lời tâm sự vui vẻ, ấm cúng chúng tôi lên xe trực chỉ về hướng Bắc ra Thăng Bình để đi đến đường Trường Sơn. Sau một tiếng rưỡi xe băng qua các huyện miền núi của Quảng Nam đến nơi giáp giới của đường 14 và đường Trường Sơn, cảnh vật nơi đây đã đổi thay, không ai còn nhận ra cảnh Trường Sơn thưa thớt, tất cả đều đổi mới ngay cả chốn thâm sơn cùng cốc như nơi đây, con đường mới hoàn thành nên rất khang trang, rộng, đẹp. Đi trên con đường nằm giữa lòng núi, qua đèo, lên dốc tha hồ chúng tôi chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cái nắng nóng mùa hè không làm nản ý chí và lòng phấn khởi, chẳng mấy chốc chúng tôi đến quán Ngọc Hà thuộc địa phận KonTum để dùng cơm trưa. Bữa cơm trưa quá bữa dưới cái nắng nghiệt ngã của mùa hè nhưng chúng tôi vẫn thấy vui, vẫn thấy ngon miệng, có lẽ đây là bữa cơm tập thể đầu tiên của chuyến tham quan, được ngồi bên đồng chí đồng nghiệp, được hàn huyên tâm sự về lộ trình đi có gì vui vẻ hơn! Cơm nước xong xuôi, chúng tôi nghỉ chân nơi đây một tiếng để lấy sức lực chuẩn bị thẳng tiến về Gia Lai, vùng đất giàu truyền thống cách mạng của Tây Nguyên. Trước khi vào thành phố Pleiku chúng tôi đi thăm cửa khẩu BờY, một cửa khẩu sắp được hoạt động nằm phía Tây thành phố, đây là cửa khẩu giao lưu kinh tế với các nước bạn bè. Mặc dù hiện nay chưa hoạt động nhưng nhìn tổng thể quy hoạch chúng tôi hình dung được, đây là cửa khẩu lớn và chắc chắn hoạt động nhộn nhịp trong một tương lai không xa. Rời BờY đi trên con đường đất đỏ badzan, qua những rừng cao su bạt ngàn xanh thẳm, chúng tôi qua các căn cứ địa Cách mạng Đắc Tô-Tân Cảnh năm nào làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía.
Chúng tôi đến với thuỷ điện Yaly vào một buổi chiều êm ả đẹp trời. Cách quốc lộ 14 khá xa, Yaly ẩn mình trên một ngọn đồi thơ mộng. Cơ sở vật chất ở đây rất hiện đại, có lẽ, trong tương lai không xa sẽ trở thành khu du lịch sinh thái tuyệt vời. Mặt trời sắp lặn chúng tôi trở về thành phố Pleiku để nghỉ, tối đến cả tập thể dắt nhau đi dạo phố về đêm mà lòng thầm nghĩ: nỗi lòng mình sao mà giông giống nỗi lòng của nhạc sĩ Phạm Duy khi viết: “phố núi cao, phố núi đầy sương... Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông…”.
Qua một giấc ngủ say nồng sau một ngày vất vả, sáng đó chúng tôi lại được thêm một kỉ niệm vui, đó là ăn điểm tâm với tiết mục “tự chọn”, kể ra việc này cũng lạ đối với chúng tôi, thế là chúng tôi tranh thủ đánh chén những món hợp khẩu vị trong một không khí vui vẻ, phấn chấn,...
Chào một ngày mới, xe bon bon về địa phận Đắclắk qua những con đường yên tĩnh, thẳng tắp, hai bên cây cối xanh rờn. Trưa hôm đó, chúng tôi đến thành phố Buôn Mê Thuột- thủ phủ Tây Nguyên. Thành phố núi kể ra lớn so với nhiều thành phố ở đồng bằng, lớn về quy mô, kiến trúc, về sự nhộn nhịp, về đời sống. Chiều, chúng tôi đi Bản Đôn - một khu du lịch sinh thái, thăm nhà rông của già làng Y phôn, thăm con sông Xiphanúp nước chạy ngược, nghe trao đổi về văn hoá Tây Nguyên giàu bản sắc. Nơi đây chúng tha hồ chạy nhảy trên cây cầu dây đầy cảm giác, tha hồ cỡi voi và mua sắm hàng lưu niệm Tây Nguyên. Tối. Chúng tôi lại dạo phố, một buổi tối trời se lạnh nhưng vẫn thấy ấm lên vì nơi đây đã cho chúng tôi niềm vui và hiểu biết.
Sáng hôm sau xe đưa chúng tôi đến Lâm Đồng về nơi thành phố Đà Lạt mộng mơ. Con đường sang Đắc Nông, Lâm Đồng còn nhiều đoạn đang sửa chữa, khó đi nhưng chẳng sao, không khí tập thể như tiếp thêm sức mạnh và niềm vui, chẳng bao lâu chúng tôi đã đến thành phố hoa Đà Lạt. Đà Lạt mùa này thường có những cơn mưa bất chợt, nhưng may mắn thay, suốt quá trình tham quan, ông trời ủng hộ nên chẳng hôm nào mưa, lạnh cả. Thành phố với mật độ người và xe cộ cao nhưng vẫn cảm thấy yên tĩnh, thơ mộng. Có lẽ do thiên nhiên và con người nơi đây làm nên điều đó. Festival hoa Đà Lạt vẫn còn phảng phất vẻ đẹp đến hôm nay: hoa công viên, hoa vỉa hè, hoa treo cột điện. Cơ quan trồng hoa, nhà nhà trồng hoa, nơi đâu cũng thấy hoa đua nhau khoe sắc. Chiều đến, chúng tôi đến thăm vườn hoa Đà Lạt. Ở đây, tha hồ chiêm ngưỡng hoa, cây cảnh. Sau đó đến đồi Mộng mơ để tiếp tục thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và các hoạt động văn hoá của Tây Nguyên, tối đến tham quan và mua sắm ở chợ Đà Lạt, dòng người đổ về mọi hướng, mỗi lúc một đông, lượng hàng tiêu thụ nơi đây khá lớn, phần lớn là hàng lưu niệm, áo lạnh và sản phẩm hoa quả Tây Nguyên. Không ai bảo ai, chúng tôi tranh thủ dạo mua thoả thích. Sáng hôm sau đi thăm dinh Bảo Đại, gợi lại lịch sử của dân tộc một thời sóng gió. Có đến thăm dinh Bảo Đại hoàng tộc xa hoa, chúng ta càng thấm thía cuộc sống giản dị của Bác Hồ vĩ đại. Chiều đến thăm thác Lambiđăng, nơi đây chúng tôi được đi máng trượt, đồng nghĩa với việc tìm cảm giác mạnh và ngắm cảnh sông, núi, suối mộng mơ. Đà Lạt rất nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh vật và con người rất đỗi thân thương nhưng vì quỹ thời gian có hạn nên chúng tôi phải quay về phố biển Nha Trang ngay sau hôm đó.
Đến Nha Trang. Ở đây, không khí biển trong lành, mát mẻ, các công trình kiến trúc mọc lên ngày càng nhiều, biển Nha Trang xanh trong và sạch sẽ, chúng tôi đi thuyền dạo biển và đến hồ cá Trí Nguyên, với cấu tạo một con thuyền bê tông vĩ đại làm cho du khách tận mắt chiêm ngưỡng cuộc sống của cảnh sinh vật biển rất thật và kỳ thú. Tối lại, dạo biển Nha Trang, trên bờ muôn ánh đèn đêm, dưới biển cũng vô vàn ánh sáng của tàu thuyền đánh cá, khách du lịch dạo chơi đông như hội, hoà vào dòng người chúng tôi tận hưởng đến phố biển Nha Trang mùa hè êm ả.
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, thấm thoát năm ngày vui nhanh chóng đi qua, chỉ năm ngày nhưng đã đi lại trong chúng tôi nhiều niềm vui và nỗi nhớ. Tất cả rồi sẽ đi qua chỉ còn lại những kỉ niệm vui và tình cảm đẹp. Cuộc tham quan kết thúc nơi đây hẹn gặp lại ở một ngày không xa. Chào tạm biệt mảnh đất Tây Nguyên yêu dấu.
Ngô Quang Liêm
TÍM NGẨN NGƠ
Chiều nắng tan trường áo tím bay
Em làm tôi đứng với hồn say
Ngẩn ngơ ắnh mắt vương chiều tím
Tím cả hồn tôi. Tím giấc mơ
Giấc mơ màu tím xưa hiện lại
Sáng nay hai màu áo tím bay.
Ngô Minh Hải
CHUYỆN VUI PHỔ CẬP
Vui lắm anh ơi
Làm phổ cập
Vất vả thôn cùng
Xóm ngõ xa
Tha hồ dạo hỏi
Em bao tuổi.
Ra lớp hay chưa?
Tốt nghiệp rồi?
Hai người một nhóm
Vui tâm sự.
Kề cận bên nhau
Khắp mọi nhà.
Phụ huynh lo sợ
Ứ tiếp chuyện.
Chẳng có gì đâu
Thầy giáo mà.
Đặng Thị Hồng
Truyện ngắn: MỘT NGÀY CỦA MAI LAN
Mấy hôm nay trời mưa to quá, những tràng mưa thật ngọt ngào cứ rơi mãi rơi mãi không ngớt tạo nên những dòng chảy rào rạt, và hơi lạnh nghe đã tràn vào trong nhà. Mai Lan vội xếp mấy quyển sách lại vì bất chợt một cơn gió nhẹ làm hơi nước bay vào ướt chỗ ngồi. Trong phút chốc Mai Lan chợt nhớ lại, bốn năm rồi mình đã đứng trên bục giảng; cô cũng kiểm nghiệm lại một hiện tượng cô cho là đã trở thành chu kỳ trong bốn năm nay rồi, Lan thấy là lạ sao hễ cứ đến dịp kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam thì cũng là lúc mùa mưa "ướt át" nhất? Mai Lan còn nhớ như in năm đầu mới ra trường, dạy chưa được tròn ba tháng mà “ngày này” học sinh đến thăm cô thật đông. Lan thật cảm động, mấy em có cả nam lẫn nữ đều ướt sũng cả quần áo vì đường vào nhà cô bị ngập nước, các em phải băng qua nước lụt. Hôm đó, cô cũng thật bối rối, khó xử trí vì các em nữ lớp 9 cũng lớn rồi mà ướt như chuột lột, các em phải túm tụm trên mé hiên ướt át của nhà cô. Cô chưa kịp mời nước uống thì các em đã phải chào cô ra về, một bạn nam chỉ kịp đặt lên bàn cô một hộp quà chúc mừng ngày vui của cô và tất cả lại băng ngược một lần nữa trong cơn mưa còn nặng hạt. Nước trên đầu, nước dưới chân, ướt hết cả ...
Mưa thì mưa, nước thì nước nhưng trong lòng Mai Lan vẫn cảm thấy thanh thản vô cùng, Mai Lan cảm nhận như đến tháng 11 này có cái gì đó thật thiêng liêng. Ngày 20.11 như là một ngày đẹp nhất trong năm, một niềm vui khó tả mà chỉ những người làm nghề nhà giáo như Lan mới cảm nhận được. Mai Lan cảm thấy mọi việc đều nhẹ nhàng, mọi khung cảnh như êm đềm thanh thoát trong mắt Lan khi thấy những hoạt động ở trường nhằm chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11 năm nay.
Suy nghĩ miên man thì chợt tiếng “oa oa“ - cu cậu thức giấc (chắc là do cơn mưa mạnh vừa rồi), Mai Lan để nguyên mấy quyển sách vừa gấp tạm chồng trên quyển giáo án vội vàng vào giường nằm “ủm” con. Bây giờ “thằng cu” lại làm cho mẹ nhớ lại những ngày mới cưới - ai cũng trầm trồ khen ngợi “cặp vợ chồng trẻ đẹp đôi, chồng là sĩ quan quân đội, vợ là giáo viên; thật lý tưởng vô cùng”. Thế mà ai biết được, thằng cu đã tròn bốn tháng rồi mà anh Thắng mới chỉ về thăm vợ con có đúng bốn lần, “vị chi” mỗi tháng một lần; cứ đà này thì một năm anh sẽ về thăm nhà được mười hai lần! Khổ nỗi, anh rất nhớ vợ con, nhớ đến khóc ra nước mắt lận, mà anh không về được vì “công việc bộ đội, kỷ luật như thép”. Đổi lại, Mai Lan cũng rất nhớ chồng, vì cô luôn muốn cùng chồng tận hưởng niềm vui có “thằng cu”, để nó luôn luôn được ba mẹ kề bên.
Mai Lan cũng cảm thấy mình đảm đang lên tự bao giờ chẳng biết - Ngày trước cô chẳng dắt được chiếc xe máy, mà giờ đây một tay nuôi con nhỏ, tự lo việc nội trợ, một tay làm cô giáo; rồi còn “dạy thêm” mấy nhóm học sinh nữa. Mà nào, cô có muốn dạy thêm, dạy bớt gì, thật sự phụ huynh cứ đến gửi con, gửi cháu. Mai Lan cứ cả nể mà dạy. Mai Lan cũng cảm thấy chủ trương “cấm dạy thêm tràn lan” là đúng, vì nó đáp ứng nguyện vọng của số đông phụ huynh học sinh, nhưng còn thiểu số phụ huynh vì lo cho con mình mà không thể trực tiếp “bày dạy” được, nên cần phải “kiên quyết gửi con”. Rốt cuộc thiểu số trở thành đa số vì ai cũng sợ con mình sẽ thua thiệt nếu không học thêm. Nghịch lý vẫn cứ xảy ra: Đa số phải phục tùng thiểu số! Lan nghĩ một điều đáng nói nữa là ngày nay ít ai nói “nghề giáo là nghề bán cháo phổi” mà theo họ “nghề dạy thêm là nghề bán cháo vỉa hè”; vì bán cháo vỉa hè thì có thể đặt gánh cháo chỗ nào cũng được, mà cũng có thể đặt gánh cháo chỗ nào cũng không được. Không lẽ mình là người “bán cháo vỉa hè” hay sao? Biết là buồn đấy, nhưng phụ huynh cứ năn nỉ mãi thành thử không muốn bán cũng phải bán.
Nằm với con được một lát, thật ấm áp nhưng cô phải dậy để soạn tiếp trang giáo án (đã soạn hơn một ngày rồi mà chưa xong!), lần trước có anh Thắng ở nhà thì anh vẽ giúp cho mấy hình vẽ và viết cho mấy bảng phụ. Hôm nay chắc phải ráng trong đêm cho xong vì sáng mai dạy có Ban Giám hiệu dự giờ. Hôm trước cũng chuẩn bị “hết hơi”, đủ thứ “lỉnh kỉnh” để dạy cho Ban Giám hiệu dự, nào ngờ tiết đó mấy Thầy bận họp không dự được. Không biết ngày mai ra sao, nhưng phải chuẩn bị thật kỹ vì ít nhất cũng có học sinh dự là được rồi và vốn tính Mai Lan cũng rất chu đáo, kỹ càng. Nghĩ vậy, Mai Lan hăng hái tiếp tục cho xong công việc.
Nghĩ là vậy, nhưng thực tế không dễ dàng được vậy vì “thằng cu” chẳng cho cô ngồi được lâu đâu - Cô phải dỗ con, ru con và soạn bài, rồi tiếp tục ...
“ Đêm khuya Thầy không ngủ, trang giáo án bên đèn ...” lời hát cứ văng vẳng bên cô, như nhắc cô, thôi thúc cô cố lên, cố lên ... nhưng vẫn còn một hình vẽ và hai trang bảng phụ nữa! Chà, nghe cũng thật mỏi rồi, hay là mặc kệ, đánh một giấc cho đã rồi mai hẳn hay. Đang đấu tranh tư tưởng thì bỗng có tiếng “cạch, cạch, cạch”. Ai gõ cửa vào giờ này ? Khuya quá rồi. Lan chưa kịp nghĩ là ai thì lại “cạch, cạch, cạch”. Làm sao đây, Lan không dám lên tiếng.
- Anh đây mà! Thật là ác phải hông ?
Anh Thắng bật cười. Hú vía, Lan mừng run, vừa ra mở cửa vừa trách chồng:
- Bắt đền anh! Còn mấy thứ để trên bàn em sẽ phạt anh đó.
- Ừ - Cứ để đấy anh sẽ vẽ thật đẹp cho em nhưng anh muốn đền em trước hết là một nụ hôn.
Họ không nói năng gì nữa. Cả hai ôm chầm thật lâu ...
Trần Công
NHỚ
Nhớ về nơi ấy một thời
Em nghe trong gió có lời biển ru
Cành bàng dọn lá mùa thu
Tìm nhau trong cõi xa mù nhớ nhau
NỢ
Thơ em có nợ bao giờ
Mà sao trăng đợi bên bờ đòi thơ
Thân tằm lam lũ nhả tơ
Đau lòng em biết ngần nào, thơ ơi.
Nguyễn Thị Thanh Thuý
LẮNG ĐỌNG TRONG TÔI
Tùng! Tùng! Tùng!………
Tiếng trống báo hiệu giờ tan trường ngày nào ta cũng vẫn thường nghe. Đàn chim non bay về muôn phương làm lòng ta gợi nhớ…về một thời hoa đỏ ngày xưa. Vâng! ta đến đây khi ngôi trường mang tên”Trường THCS Chu Văn An” vừa mới xây dựng xong. Trong cái ban đầu rất sơ khai còn ngổn ngang sỏi đá. Ta và mọi người đã hoà nhập cùng nhau với bao điều lo nghĩ. Ta phải làm gì đây khi tất cả đều mới mẻ, đầy khó khăn và thiếu thốn. Nỗi lo ấy giờ đã lùi xa và ngôi trường đã trở thành nơi ta trú ngụ. Trường đã cùng ta cất tiếng thân thương mang tin tốt lành đến cùng các em.
Thấm thoát thế mà đã 6 mùa hè trôi qua. Ta đã cùng mọi người, thầy cô, bạn bè rong ruổi với những “bài ca” trên bục giảng. Ngôi trường hiền hoà nép mình bên xóm nhỏ đã minh chứng cho những giây phút xuất thần thông minh đầy trăn trở của 2700 giây trôi qua trong mỗi tiết học.
Bây giờ trường tôi đã tròn 6 tuổi. Cái thời gian không ngắn mà chẳng dài nhưng chứa bao kỷ niệm, với bao thế hệ học trò lần lượt chia tay trường để bay đi muôn phương. Hàng bằng lăng đã lớn lên theo năm tháng và nở đầy hoa tím, bên ngôi trường với bao tiếng cười trẻ trung đầy hứa hẹn.
Trường mỗi ngày lớn lên, vững vàng hơn và ta đã già đi theo dòng thời gian khắc nghiệt. Con đường đến trường thân quen mỗi ngày như ngắn lại, làng xóm hiền hoà đã in đậm trong kí ức của ta. Dù dòng thời gian cứ thấm thoát trôi nhưng những gì nơi đây đã làm ta lắng đọng, cái vui, cái buồn như hoà quyện mãi trong ta. Ta vẫn mong muốn làm những gì vượt thời gian để niềm tin vẫn luôn tồn tại.
Dù mai đây ta có thể xa trường nhưng ta vẫn không thể nào quên cái tên “Trường THCS Chu Văn An”. Ở nơi ấy tôi thấy lòng mình ấm áp, một không gian muôn vàng nắng ấm, niềm tin, đầy ắp tiếng cười.
Lê Thị Vui
ĐÊM TRĂNG NGOẠI Ô
Vờn trong dải lụa vàng
Nhẹ rung trong cơn gió
Vầng trăng sao kỳ diệu
Toả sáng trong trời đêm
Trong hàng vạn giọt sương
Bóng trăng vàng lung linh
Như hạt châu rực rỡ
Lấp lánh trong đêm hè
Thoảng trong cơn gió bay
Mùi hương hoa ngào ngạt
Nào Dạ Lan, Nguyệt quế
Thêm sắc màu đêm trăng
Làng quê thật êm ả
Xao xuyến cả hồn tôi
Mơ về một khung trời
Bình yên và phẳng lặng
Cho tôi, cho mọi người
Hạnh phúc và niềm vui.
Võ Viết Hồng
NHỮNG NGÀY THÁNG MÙA HÈ Ở TRƯỜNG TÔI
Mỗi khi mùa hè đến là mỗi lúc có được khoảng thời gian để cho các trường học núp bóng trong sự yên tĩnh, không còn có tiếng trống vang lúc giờ tập trung, giờ tan học sáng, trưa, chiều, tối, điểm báo từng tiết học hằng giờ hằng ngày.
Lúc bấy giờ trường học với cảnh vắng, người thưa, ít người qua lại không còn có tiếng ca hát, nhảy múa, đùa giỡn của tuổi học trò trên sân trường nữa, không còn bụi phấn bay ra từ các phòng học hoà lẫn cùng bầu không khí trong không gian, mọi hoạt động khác cũng theo chân dừng bước.
Đồng thời đây cũng là thời điểm để cho những người đang làm giáo dục có được dịp nghỉ giải lao thư giãn, giảm được sự căng thẳng về trí óc, giảm được phần miệt mỏi về chân tay, hạn chế được việc tổn hao sức khoẻ không phải bận tâm suy nghỉ về công việc mình đang đảm nhiệm từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày…có được điều kiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kiến thức để chuẩn bị tốt tư tưởng cho mùa học mới. Có được khoảng thời gian thư giãn cùng nhau tổ chức ra những hoạt động vui chơi bổ ích lí thú hợp với sở thích, khả năng, có được cơ hội để gần gũi những người thân quen, đồng thời nhân dịp này tổ chức những chuyến tham quan du lịch thật hấp dẫn nhằm tạo thêm sức mạnh cho đời sống tinh thần của con người.
Trường tôi vì xây dựng trên một địa bàn dân cư khá phức tạp nên phải chịu một bối cảnh thê thảm mặc dù mùa hè rất nóng bức nhưng trường tôi lại phải lạnh mình theo nhịp điệu từng bài diễn của những kẻ vô lương tâm hành động một cách vô ý thức, họ thường lợi dụng cơ hội từng cảnh vắng người qua lại, đột nhập vào trường hết ngày đến đêm, hết quấy rôi ồn ào, cắt điện chiếu sáng bảo vệ lại hành động phá đập phá hư hỏng đồ đạc, biến cảnh mùa hè trường tôi thành cảnh của những cơn mưa bão mùa đông lạnh buốt xuyên qua tàn phá…. Khiến cho tâm trạng của những người lãnh đạo, thầy, cô giáo, người đang làm nhiệm vụ của trường tôi phải bàng hoàng trăn trở, luôn bận tâm suy nghĩ, ăn không ngon ngủ chẳng yên, không may mắn có được những khoản thời gian quí báu như những người lãnh đạo những người thầy, người cô giáo của các trường học khác.
Mãi đến nay, mặc dù mùa hè đã đi qua nhường chỗ cho mùa học mới đến với các trường học, đến với những người đang làm giáo dục, đến với tuổi học trò thơ ấu. Tuy nhiên, những hình ảnh diễn ra có những kẻ vô lương tâm, hành động trong những ngày tháng mùa hè ấy vẫn chưa được phai nguôi, dìm mình trong quá khứ mà vẫn còn gây ấn tượng trong lòng của mỗi một người ở trường tôi./.
Mai Xuân Tự
CHO EM
Trên bục giảng, cô lặng thầm bụi gót
Hạt phấn hồng đi tìm tấm bảng đen
Bao cặp mắt nhỏ đón chờ hi vọng
Cô cho em bằng cả trái tim hồng.
Huỳnh Thị Thanh
TÂM SỰ
Tôi vẫn biết mình không còn trẻ nữa
Giờ đây tóc đã điểm hoa râm
Những vết hằn năm tháng đã vòng quanh
Khoé miệng, cặp môi, vóc dáng…
Dù điểm trang kỹ lưỡng.
Tôi vẫn tiếc cái thời hay mộng tưởng
Thuở hai mươi ngào ngạt hương hoa
Thuở xuân xanh tươi trẻ hiền hoà
Cười e ấp như đoá hoa hàm tiếu
………..
Năm mươi hai tuổi, tôi chẳng còn hiểu được
Tại vì sao không níu được tuổi xanh
Tại vì sao không mãi là mộng lành
Để sống mãi với mùa xuân đương tới
Nghe tiếng “bà” từ đứa trẻ lên ba
Tim bật rung khi năm mươi hai tuổi sắp qua
Buột phải đón một mùa xuân đến sớm.
Nguyễn Thị Tố Nga
LÒNG MẸ
Đài báo bão nữa rồi
Em có nghe chưa mà buồn thế nhỉ?
Bão từ biển xa mẹ ngồi lo sợ
Con vạc con cò cũng chao chát bay đi
Ám ảnh đau thương đời mẹ nổi chìm.
Đứa con mất đi từ cơn bão trước
Căn nhà sập nát cơn bão vừa qua
Chỉ còn mẹ thôi còn gì để mất
Mà nghe báo bão mẹ nhìn xa xăm
Mẹ ơi thôi khóc, hãy còn quanh đây.
Vòng tay siết chặt, trái tim dạt dào
Của lòng nhân ái bao người bên ta.
Trương Thị Thuý Kiều
TIẾNG RU CỦA MẸ
Mưa đi rửa sạch bụi trần
Gió mồ côi vẫn tần ngần lãng du
Mưa cho xanh lại ngàn thu
Khát lòng nghe tiếng mẹ ru thuở nào.
Tiếng ru kẽo kẹt bờ ao
Tiếng ru-trang sách-thổi vào giấc mơ.
Ngọt ngào hai tiếng ầu ơ
Dệt nên vần điệu bài thơ cuộc đời
Con đi trăm chốn ngàn nơi
Vẳng nghe tiếng mẹ chân trời xa xăm
Gừng cay muối mặn ngàn năm
Lặn trong đời mẹ ướt đằm câu thơ
Nhịp cầu xưa, tiếng võng đưa.
Hoà trong lời mẹ giữa trưa bồng bềnh.
Lâm Hoài Nhơn
LÃO HUỜN
Lão tên Huờn. Đích danh trong khai sinh ghi rõ:Nguyễn Văn Huờn. Cái tên nghe lạ hoắc. Bọn trẻ qua nhà chơi nói với lão rằng cái tên gì mà đánh vần méo miệng vẫn đọc không được. Có đứa hình tượng hơn, mỗi lần muốn đọc đúng tên lão phải trật bản họng. Lão cười. Khi vui lão còn giải thích thêm cho chúng nó vì sao lão lại mang cái tên ấy. Lão bảo, tên lão trước đây cha mẹ đặt tên là Hoàn. Hoàn không có gờ (g) để khỏi lộn với ông Hoàng bà Chúa. Thế nhưng, cái tên Hoàn không có gờ ấy vẫn phải bị phạm húy. Bọn trẻ ngơ ngác, lão phải giải thích thêm phạm huý là gì. Là trùngvới tên hoàng tộc. Cha mẹ lão đành phải tìm một cái tên tương tự. Tên lão được bớt dấu huyền là Hoan. Nhưng là Hoan vẫn không ổn. Nhà cha mẹ lão nghèo, có sung sướng gì mà hoan với ca. Thế rồi lần lượt thêm dấu ngã thành Hoãn. Không được, Hoãn dậm chân tại chỗ, bao giờ lão mới ngóc đầu dậy nổi, gia tộc lão thất học đã hơn hai đời rồi. Đánh dấu sắc thành Hoán vẫn không xong. Ai chịu đổi lấy thân phận của một con người nghèo kiết xác mà hoán? Chấm cái dấu nặng là Hoạn. Lão phì cười…thì tội cho lão quá, để lão còn kiếm thêm chút gì “nối dõi tông đường”. Xưa nay chỉ có hoạn quan thôi chứ đâu có hoạn dân cho uổng phí cuộc đời! Bọn trẻ nhìn lão xuýt xoa, bậm cái miệng không được đành lăn ra nền nhà cười ngặt, cười nghẽo…Có đứa thấy tội cho lão bảo rằng tại sao ngày xưa vua chúa không chọn đặt cái tên lạ như lão để khỏi trùng với người khác. Lão làm dấu ra vẻ quan trọng-uý bậy, làm sao bắt người quyền thế phải theo mình được, mình là dân mình phải theo họ chứ. Và thế là cha mẹ lão quyết định cái tên độc nhất vô nhị cho khỏi trùng với ai cho khoẻ. Từ Hoàn biến thành Huờn cho đến bây giờ…
Thật ra lão chỉ đùa với bọn trẻ cho vui thế thôi chứ vị hoàng đế cuối cùng của nướcNamta là Bảo Đại đã thoái vị từ trước khi lão cất tiếng khóc chào đời. Tên đúng như cha mẹ lão nói là Nguyễn Văn Huờn. Nhà không ai biết chữ, thuê anh thợ đánh máy chữ làm giấy khai sinh và vào sổ hộ tịch luôn thể. Không biết anh chàng đánh máy thuở ấy đãng trí như thế nào mà tặng cho lão cái tên không có trong từ điển. Sau này lão đi học, hễ thầy cô đụng đến cái tên lão khi vào sổ điểm danh hoặc làm thành tích biểu thì phải gọi đích thị lão lên văn phòng. Cũng may, còn là học sinh, lão học rất khá và ngoan hiền nên chẳng ai phiền trách gì cái tên phát âm nữa tây nửa ta đó. Lúc ấy cũng có nhiều người đề nghị lão nên điều chỉnh lại khai sinh cho tiện. Lão không phản đối nhưng cứ ù lì. Thôi kệ, cha mẹ đặt đâu con đành chịu vậy, cố gắng học cho “nở mày nở mặt” gia tiên còn cái tên có hay ho đến mấy mà không chịu học thì cũng thế thôi, ai gọi đến làm gì mà quan trọng. Lão nói không phải để bào chữa cho sự biếng nhác của mình, lão nói cũng được nhưng cũng làm được. Lão học ngày đêm, học để thành tài, để biến đổi cái thân phận của dòng dõi nhà lão bị truyền lại mấy đời. Từ đời ông đến đời cha lão, một chữ cắn đôi cũng không có. Đó cũng còn là lý do lão muốn giữ lại giấy khai sinh ấy để làm bằng chứng cho nỗ lực thoát xác của mình. Lão tin chắc rằng “chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. Đến đời lão là đời thứ ba. Lão phải học, một phương cách để chiêm nghiệm lời cha ông là đúng sự thật. Tội nghiệm cho lão, lực bất tòng tâm. Nhà nghèo, cha mẹ cho đi học trễ, lão bị động viên. Không có tiền để làm lại giấy khai sinh rút bớt tuổi, lão phải đăng lính. Học vấn dở dang, lão ôm mộng không thành mà sinh ra cái thói bất cần đời. Sống sao cũng được miễn sao cho qua ngày đoạn tháng. Hết chiến tranh thì lão đã đứng tuổi. Học hành gì nữa. Lão đoạn tuyệt với giấc mộng riêng mình nhưng cũng còn kỳ vọng vào thế hệ con lão. Con hơn cha là nhà có phúc. Lão cưới vợ và sinh liền tù tì ba năm hai đứa. Con còn nhỏ, một mình lão chạy vạy nuôi vợ đẻ, con thơ. Đúng là” “Gánh cực mà đổ lên non, còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”. Lão gò lưng gánh vác mà không nổi. Vợ xanh xao, con ốm nhách. Lão quần quật cả ngày. Cái tâm lão nghĩ, làm ăn lương thiện rồi một lúc nào đó trời đất cũng ngó nghĩ, không lẽ “trời xanh” ở cao lại phụ người ngay. Ôi, đất trời chưa phụ lão thì lòng người đã phụ. Hiền thê của lão đã thấy một màn đêm đặc quánh bịt bùng lấy lão, tàn nhẫn ra đi tìm chút ánh sáng cuối ngày. Lão goá vợ kể từ dạo đó. Một mình gà trống nuôi con. Lão kiếm tiền dành dụm chút đỉnh cho con ăn học cầm chừng…Nghĩa là lão không đổ sức vào việc học của con. Con lão chỉ học ở trường thôi chứ không học thêm, học bớt chi cả. Bên ngoài, người ta cho con học thêm rầm rầm, hết lớp này đến lớp khác, hết lớp ngày đến lớp đêm. Tiền túi làm ra đều dồn hết cho con. Còn lão thì bìnnh chân như vại. Lão kiếm thêm được đồng nào liền ném vào mâm rượu. Lão hiền, ăn ở có nghĩa với bạn bè. Nhà lão lúc nào cũng đông khách. Bạn cũ, bạn mới đến chơi với lão đều được lão tiếp đãi như nhau, ai cũng được khề khà, cười nói huyên thuyên với lão. Cái khoản đãi rượu cho bạn, mặc dù nghèo nhưng lão không hề tính toán. Chiều bạn hết mình, vô tư dốc cạn chén chú chén anh…mà không có lấy một lời than thở. Lão say cũng rất dễ thương. Những lúc cao hứng, lão thường ngâm thơ. Không phải thơ lão vì lão không biết làm thơ. Những bài thơ lão học hồi lớp đệ tứ (lớp 9) đến nay lão còn thuộc “chỉ giăng”. Lão thích ngâm nhất là bài “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan. Khi lão ngâm đến câu “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” thì các “chiến tửu”của lão thường nhai lại một dấu ấn đã khắc trong đời rượu của lão: “Đá vẫn xơ gan cùng tuế nguyệt”. Lão cười và kể vanh vách chuyến đau gan của mình. Uống rượu nhiều nên lão bị vàng mắt vàng da. Lão nằm lỳ một chỗ khi mặt mũi chân tay đã sưng húp cả lên. Bạn bè đến thăm, lão nói như trăn trối. Anh em “chiến tửu” động lòng dành dụm tiền uống rượu mua cho lão vài đơn thuốc dân gian nào đó để cho lão “tát” đến giọt nước cuối cùng. Cũng may cho lão, cây chó đẻ mọc quanh vườn đã được con lão đem vô nấu cho lão uống. Cái thứ nước đắng ngắt được lão ừng ực suốt ngày ngon lành như người ta uống rượu…thế mà hiệu nghiệm. Toàn thân xẹp xuống, da và mắt hết vàng. Lão liều mạng tham gia trở lại cùng các anh em “chiến tửu”, nhưng bây giờ thì trà được thay bằng nước chó đẻ. Mỗi lần cầm ly nước chó đẻ lên miệng lão thường pha trò: Ngày xưa còn là bạn hữu đồng môn nghe nói đến chó đẻ là đè cổ đánh nhau, bây giờ là chiến tửu ở cái “Huờn tủi gia trang” này nghe nói đến chó đẻ là xích lại gần nhau thêm. (“Huờn tủi gia trang” là lão nhai lại cái biệt danh của các chiến tửu đặt cho ngôi nhà lão “Hườn tửu gia trang”).
Khi lão đi họp phụ huynh cuối cấp học phổ thông cho con trai đầu về thì lão bỗng dưng tuyên bố “Huờn tửu gia trang” tạm thời biến thành “trai đường” để lão ăn chay nguyện cầu cho con lão thi đỗ vào đại học. Lão tuyên bố thế nhưng ít ai tin lời nói của một con sâu rượu. Không tin thì vô nhà lão khắc biết. Lão ăn chay thật mà ăn chay thì cũng cử luôn rượu. Chiến tửu buồn lòng, nhà lão thưa khách và dần trở nên vắng ngắt. Lão hì hục làm việc. Giờ rảnh không uống rượu lão trồng một số cây hoa giấy quanh vườn, uốn éo chẳng tạo nên thế thần gì nên cây nào cây ấy trông nghiêng ngửa như người uống rượu. Ai có nói thì lão bảo bây giờ cây nó uống thay lão…Rồi con lão thi đỗ đại học thật. Lão mừng ra mặt, tuyên bố với bạn bè, với bà con làng xóm lão sẽ “ngã mặn” mở tiệc ăn mừng. Hườn chủ nhân thèm rượu lâu ngày, nay tuyên bố “ngã mặn” chắc là phải biết. Đến ngày liên hoan, bạn bè bà con đến đông lắm. Trước là để mừng cho con lão là người vượt “vũ môn” trước nhất trong làng xóm, sau nữa là để chứng kiến lão trở lại với rượu như thế nào. Đồ ăn được lão dọn lên đầy bàn còn rượu thì ê hề ăn uống no say mà vẫn không hết. Lão đi đi lại lại từng mâm, nâng nâng cụng cụng ngọt xớt xờn xợt. Uống cho đã đời, lão chắp tay giữa nhà dõng dạc:
- Kính thưa bà con làng xóm, kính thưa bạn bè thân hữu gần xa. Quý vị đến đây chung vui cùng gia đình chúng tôi thật là quý hoá và vinh hạnh biết bao cho dòng họ Nguyễn của chúng tôi. Xin thành thật cám ơn và xin quý vị cứ thiệt tình. Tôi xin được hầu rượu hết mình cùng quý vị để rồi sau bữa nay, tôi tiếp tục chay trường để nguyện cầu cho con tôi được ăn học đến nơi đến chốn.
Lần này lão nói thì không ai còn nghi ngờ gì cả. Chỉ còn vài người hơi băn khoăn sao dạo này lão mê tín thế. Con học phần con, cầu nguyện để nó học được đắc đạo là điều không thể tin nổi. Nhưng mà…lão một đời chiều người rồi, bây giờ chiều lão thì có sao đâu. Uống…uống…chiết tửu…chiết tửu…lão cụng ly cho đến khi không biết gì cả.
Ngót nghét thế mà năm học đã trôi qua, thằng con lão xách cặp về nghỉ hè. Lão vui mừng vì con lão học rất khá. Lão bảo đứa em gái của nó đi chợ phải mua thêm thịt cá về làm riêng để bồi dưỡng cho anh. Thế nhưng, nó ăn ở nhà được mấy bữa lắm! Bà con hàng xóm vui lây, làm những bữa cơm thịnh soạn mời nó qua ăn, trước nữa là mừng đón kẻ ở xa về, sau đến là lấy nó làm gương cho con mình. Một bài học thực tế chắc là hiệu nghiệm. Con chim đầu đàn mở lối cả đàn vỗ cánh bay theo! Cả xóm cứ thế lần lượt mời nên nó rất ít ăn cơm nhà. Trong những bữa cơm chiêu đãi nó, mọi người thường khen nó và báo động về cha nó: “Dạo này, ông Huờn da dẻ xanh xao quá. Con phải về khuyên cha ăn uống cho có chất. Mấy món chay tự làm ấy, không thể thay thế cho thịt cá được đâu. Con cố gắng học là được, chứ không phải là nguyện cầu là được. Con phải chứng tỏ được sức học của mình cho cha đỡ lo. Tội nghiệp, làm nặng mà ăn uống kham khổ thế kia thì chịu làm sao nổi!”. Nghe lời bà con hàng xóm nói nó cũng tin bởi vì ngày nó về, cái xót xa nhất nó tìm thấy là vẻ xanh xao của cha, mặc dù ông cố giấu sau những nụ cười mãn nguyện. Nó biết cần phải khuyên cha nhưng chưa rõ thực hư thế nào đã. Nó bàn bạc với đứa em gái sắm sửa một bữa cơm có thịt cá đầy đủ. Ngồi vào mâm cơm, sau chén thứ nhất là anh em nó thực hiện kế hoạch của mình. Khi cha nó đưa chén cho con gái đơm cơm lần thứ hai thì thằng anh cũng chìa chén vào, thịt cá vẫn còn dưới đáy chén. Đứa con gái cố tình tráo lộn chén anh cho cha. Cha nó làm thinh ăn ngon lành mà không nói gì hết. Để cho chắc, chúng thử lại một lần nữa. Vẫn vậy. Chúng hiểu ra rằng, cha nó không ăn chay gì hết, cha chúng đang cố “nhịn thèm nhịn lạt” để dành lấy ánh sáng cho chúng nó đi trọn trên con đường học vấn. Đứa anh bỗng ứa nước mắt khi nghĩ đến số tiền ít ỏi nhưng đều đặn hàng tháng gửi cho nó. Đó là thịt cá mà cha nó cố sức gắp bỏ hết cho nó, đó cũng là màu xanh xao của cha mà nó phát hiện ra khi bước chân vào nhà. Như biết mình phải làm gì cho cha trong tương lai, nó khoanh tay, lễ phép nói với cái giọng run run:
- Thưa cha, cha đã vì chúng con mà vất vả nhiều. Chúng con quyết chí học tập để thoả lòng mong ước của cha. Con hứa…hứa sẽ cố gắng hết sức…anh em chúng con sẽ tự tìm cách để học tập trở thành người hữu ích. Cha đừng vì chúng con quá…cha cố giữ gìn sức khoẻ…
Ông bật ngồi dậy, ôm chầm mà đỡ lấy lời con:
-Thì có đâu mà không gìn giữ sức khoẻ. Nhà người ta khá giả tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con ăn học. Gia đình ta nghèo nên cha chỉ có tấm lòng. Các con hiểu được lòng cha như thế làm cha xúc động lắm. Bây giờ thì cha lại hy vọng đến cả em con. Hai đứa thành đạt cha sẽ trở lại…
-…Nhưng cha chỉ uống ít rượu thôi nhé!
-Ừ…cha sẽ uống ít, uống sương sương thôi và lúc ấy cha đặt lại tên là Vui để mọi người gọi nhà mình là “Vui sướng gia trang” cho thoả lòng.
Cả ba cha con cùng cười trên những giọt nước mắt nóng hổi.
Sáng hôm sau, thằng con trai lão dậy thật sớm xin phép lão đến trường. Lão cùng đứa con gái tiễn nó ra tận đầu làng. Trời mỗi lúc rạng dần. Mặt trời vừa nhú khỏi lùm tre tròn au. Con lão vẫy tay, lão cũng vậy và còn kèm theo nụ cười cũng tròn au. Chợt, lão lắc mạnh tay đứa con gái:
-Ủa, đã hết hè đâu mà anh con đã lên đường?
Nguyễn Ngọc Chương
LÒNG CON
Cha ốm nặng con chưa về được
Lòng bồn chồn, lo lắng không yên.
Ước gì con có phép tiên
Vừa tròn chữ hiếu, vẹn toàn việc chung.
NGƯỜI LÁI ĐÒ
Theo em đến lớp chiều nay
Mùa thu chao lá hây hây nắng hồng
Con đò chờ đón sang sông
Tôi làm người lái em sang sông nào?
Em ơi sao lại thờ ơ?
Để người chèo chống bơ vơ giữa dòng.
TRÒNG TRÀNH
Con thuyền lên ngược về xuôi
Tròng trành nỗi nhớ chơi vơi giữa dòng
Cuộc đời bao sự chờ mong
Thuyền ai cập bến cho lòng thêm vui.
Chùm thơ của Nguyễn Thị Loan
LỐI XƯA
Em về ngang qua lối cũ
Áo mềm sương ướt hơi mưa
Lá me mắt dài ngơ ngẩn
Ô kìa! Cô nhỏ ngày xưa
Ngày xưa em còn bé lắm
Đuôi gà vấn mỗi sớm mai
Tung tăng bên chiều hoa dại
Mải mê quên cả đường dài
Ngày xưa…cái ngày xưa ấy
Dịu dàng em bước chân qua
Hồn nhiên không điều tư lự
Bây giờ-nhìn lại-đã xa…
Thời gian len qua ngõ nhỏ.
Mang về chút gió heo may
Ngày xưa chợt thành kỉ niệm
Lạnh buồn một thuở thơ ngây.
Trần Thị Lệ Thuỷ
TRĂN TRỞ KHÚC TỰ TÌNH
BUỔI SÁNG
Ánh nắng len qua kẽ lá
Chiếu lên những hạt sương khuya
Còn đọng trên đầu ngọn cỏ
Sáng lên gã mặt trời con
BUỔI CHIỀU
Giữa đồng rộng, giữa trời gió lộng
Tiếng sáo chiều vẳng vọng ngân nga
Tiếng sáo ngân nga, tiếng sáo tự tình
Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió.
Mẹ là nguồn, con như hạt sương sa.
Tóc mẹ mới ngày nào, tóc mẹ đang xanh
Màu tổng hoà của núi, trời, sông, biển
Của những nhọc nhằn hy vọng đang xen
Nay tóc mẹ mây trắng vờn bay
Trắng ước mơ trắng những lo toan
Nếu đổi được. Nếu có ai đổi được
Tôi nguyện đem đổi cả cuộc đời
Để được một điều, duy mỗi một điều thôi
Tóc mẹ lại xanh như tự hôm nào.
Lương Đống Sơn
HẠNH PHÚC
Đã có lúc em muốn tựa vào anh
Để trái tim thổn thức
mặc tình yêu trái mùa rạo rực
Và em
thoả cơn khát đợi chờ.
Đã có lúc em mong ước vô bờ
một tình yêu son sắt
giữa đêm khuya em âm thầm góp nhặt
vụng trộm từng giấc mơ
để mai khắc khoải đợi chờ.
Đã có lúc em dệt mộng vần thơ
lịm đi trong tận cùng cảm xúc
lúc bừng thức
chông chênh cô độc
trong chiếu chăn con chữ nhạt nhoà.
Hạnh phúc gần nhưng lại rất xa
bàn tay em chẳng thể nào với được
Hạnh phúc.
Vẫn ngoài tầm mơ ước
Cứ chen dày khoảng trống ở trong em.
PHAN THỊ CHIẾN
TRAO ĐỔI
TÌM HIỂU THÊM
VỀ SỰ GIẢN DỊ TRONG LỜI NÓI VÀ BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ QUA VĂN BẢN “ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ” (SGK NGỮ VĂN 7-Tập 2)
“Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. ”
(Bác ơi!-Tố Hữu)
Có thể nói hai câu thơ trên của Tố Hữu đã khái quát được một đức tính vô cùng quí báu của Bác. Đó là sự giản dị. Ở Bác, sự giản dị hoà hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tinh thần cao đẹp. Vì thế, trong bài diễn văn kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Người (1970) “Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và phí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ nói về cuộc đời hoạt động cách mạng và tư tưởng của vị lãnh tụ, mà còn đặc biệt chú ý đến con người, lối sống, phẩm chất cao đẹp của Bác. Trong chương trình Ngữ văn 7, sách giáo khoa có chọn đoạn nói về sự giản dị của Bác trong đời sống hằng ngày, trong quan hệ với mọi người và trong lời nói, bài viết làm văn bản trích học với tên gọi “Đức tính giản dị của Bác Hồ”. Đây có thể xem là bài nghị luận chứng minh. Sức thuyết phục của văn bản chủ yếu là ở tính cụ thể, xác thực, toàn diện của các chứng cứ. Tuy nhiên, với trình độ của học sinh lớp 7, để hiểu rõ các chứng cứ, đặt biệt ở đoạn nói về sự giản dị của Bác trong lời nói, bài viết là điều hết sức nan giải. Điều này, không chỉ là nỗi trăn trở của riêng tôi mà chắc chắn còn là của nhiều đồng nghiệp khác. Vì vậy, với bài viết này, tôi mạnh dạn xin được góp lời trao đổi nhằm góp một phần nào đó hiểu thêm văn bản.
Đọc lại đoạn viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng:
“{…}Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lí, những chân lí lớn của nhân dan ta cũng như của thời đại là giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”…Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Bằng hai chứng cứ hết sức giản dị, hết sức sâu sắc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chứng minh rằng lời nói, bài viết của Bác giản dị bởi vì thông qua một hình thức diễn đạt ngắn gọn, hai chứng cứ ấy lại chứa đựng một nội dung tư tưởng lớn: tư tưỏng độc lập tự do-chân lí của nhân dân ta cũng như của thời đại. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, không có độc lập thì không có tự do, ngược lại không có tự do thì không bao giờ có độc lập được. Tư tưởng độc lập tự do là niềm tin, là lý tưởng cho cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc ta, một cuộc đấu tranh vừa để bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước vừa tấn công vào chiêu bài vì “thế giới tự do”của kẻ thù. Và, đại thắng mùa xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của một nước ViệtNamvì lý tưởng độc lập, tự do. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” góp phần cổ vũ, tạo niềm tin vững chắc cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời đại chúng ta:”Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đấu tranh giành độc lập tự do thì nhất định họ sẽ thắng lợi” (Lời phát biểu ngày 8-5-1963-Văn Hồ Chủ Tịch)
Bác giản dị trong lời nói và bài viết bởi vì tư tưởng lớn lại được thể hiện bằng ngôn ngữ của quần chúng nhân dân. Để chân lý “độc lập, tự do” thấm vào lòng dân tộc, vào lòng nhân dân, Bác đã vận dụng thật nhuần nhuyễn lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Cách nói rút gọn trong “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là cách nói thường thấy của tục ngữ: “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. “Có chí thì nên”…v. v. Cách nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” là kết quả của sự vận dụng rất tinh tế và cũng hết sức tài tình ngôn ngữ của thành ngữ, ca dao. Vốn từ xưa, người ViệtNamta thường dùng thành ngữ “sông cạn, đá mòn” “non mòn, biển cạn” để biểu thị sự biến đổi lớn lao, hiếm hoi của thế giới tự nhiên. Trong lời nói của mình, cũng như tục ngữ, ca dao, Bác đã vận dụng tài tình thành ngữ ấy để biểu thị cái thế bền vững, kiên định của con người của một dân tộc quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ chân lý của nhân dân và của thời đại.
Bác giản dị trong lời nói, bài viết bởi vì những lời Bác nói, viết nghe thì thật chân chất, mộc mạc nhưng thấm đượm ân tình sâu nặng, động viên, thúc giục người ta hành động vì tình cảm cao đẹp: chiến đấu vì chân lý độc lập cho Tổ Quốc, tự do cho nhân dân. “Những chân lý giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng” (Phạm Văn Đồng-đoạn dẫn trên). Tìm hiểu lời nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” ta thấy Bác không nói “Nước Việt Nam thống nhất, dân tộc Việt nam độc lập” mà chọn cách nói mộc mạc, chơn chất “…là một” thay cho các khái niệm “thống nhất”, “độc lập” tưởng chừng như khó có từ ngữ dân gian nào có thể thay thế được. Thế nhưng, thật kì diệu, cách nói chân chất, mộc mạc ấy lại có sức truyền cảm lạ lùng. Nó biểu đạt được nỗi đau, nỗi bi thương bị chia cắt, phân li của nhân dân hai miền Nam, Bắc và đó cũng chính là nỗi đau lớn của Bác “Một ngày mà Tổ Quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên” (Gửi đồng bào Nam bộ trước khi sang Pháp đàm phán-1946 –Văn Hồ Chủ Tịch). Vì lẽ ấy, mà khi tiếp nhận được tình cảm lớn đó, đồn bào ta đã không quản ngại hi sinh, gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do, phá tan âm mưu chia cắt của kẻ thù:
“Cho dù giặc Mỹ trăm tay
Quyết không chia được đất nầy làm hai
Cho dù cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ; không sai tấc lòng. ”
Ca dao
Và, một khi lý tưởng độc lập, tự do thâm nhập vào quả tim và bộ óc thì toàn dân theo Bác làm cách mạng. MiềnNamlàm cách mạng, miền Bắc làm cách mạng, sáu mươi dân tộc anh em đoàn kết làm cách mạng. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được cả dân tộc và thời đại nêu cao:
“Thời đại lớn cho ta đôi cánh
Không gì hơn Độc lập, Tự do!
Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận
Có Đảng ta đây, có Bác Hồ. ”
“Thời đại lớn cho ta đôi cánh
Không gì hơn Độc lập, Tự do!
Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận
Có Đảng ta đây, có Bác Hồ. ”