Báo tâp: Đồng Vọng số 6

Chủ nhật - 17/09/2017 20:07
Mùa lá vàng rơi
Màu trắng nhạt nhẹ nhàng vương trên lá
Mùa đông về hờ hững gió heo qua
Mai khẳng khiu mấp máy những nụ hoa
Cành run rẩy chờ... đến mùa xuân tới
Ta vẫn biết xuân về ta chẳng đợi
Chẳng mong chi đông mưa gió lê thê
Và heo may se lạnh dáng Thu về
Nhưng lại thích có lá bàng đỏ ối
Khẽ khàng rơi ... 
                   rơi ... rơi thật khẽ khàng
Ta nhìn lá lòng miên man suy nghĩ
Còn đâu những trận mưa bất chợt
Còn đâu những màu xanh ngàn ngát
Để nặng thêm
          nhiều kỷ niệm
                   tràn về!
Mùa đông đấy – Dù cho bàng trụi lá
Dù cho mai run rẩy chịu heo may
Lá vàng rơi ...
          đám cưới ...
                   cứ đông đầy
Đón hạnh phúc
Ta bắt đầu từ mùa bàng đỏ ối.
 Ngày 20 – 10 – 2005                                             
Phan Thị Chiến

Ký ức trường xưa
Hôm nay tan trường muộn
Trời chiều đã nhá nhem
Đường về còn xa quá
Quanh co những lối mòn
Chị trước tôi theo sau
Hai bóng kề bên nhau
Chẳng ai buồn nghoảnh lại
Chỉ mong kịp chuyến đò
Đường quê quen thuộc quá
Qua trái rồi rẽ ngang
Phía truớc là hàng dương
Bên trên đồi cát mịn
Xa xa đàn cò trắng
Nhấp nhô trên cánh đồng
Dòng sông dài uốn khúc
Trông xa thật mơ màng
Dòng sông mờ hơn khói
Đò chiều vắng khách sang
Mưa rơi càng nặng hạt
Ba người một con đò
Mái chèo khua nhè nhẹ
Gợn sóng nước lăn tăn
Lắc lư đò rời bến
Chẳng ai nói lời nào...
Và nhiều năm sau nữa
Không trở lại bến xưa
Cầu ngang sông nối nhịp
Cô lái biết còn chờ?
Cao Thị Ái Trung                             
                       
 Tôi đi nhầm giày
Bạn đã bao giờ “làm trò” trước đám đông, nhất là trước học sinh khi mình làm cô giáo chưa?
Tôi cũng đã gần “bị” một lần. Câu chuyện như thế này.
Hôm ấy, vì mệt mỏi do bữa tiệc liên hoan chia tay cô bạn thân về công tác thành phố Hồ Chí Minh, sáng tôi có dậy hơi trễ giờ một chút so với thường lệ. Tôi đành bỏ bài tập thể dục buổi sáng, mà chỉ kịp đánh răng, rửa mặt, bận quần áo, giày dép, soi gương chải sơ mái tóc, rồi dắt xe máy đi đến trường.
Đường dài cũng tới hơn 5 km. Tôi còn kịp giờ vào lớp dạy tiết học đầu tiên.
Bước kiểm tra bài cũ trôi qua. Tôi chuyển sang phần “bài mới”nhanh chóng.
Lớp học có hơi ồn một tí. Tôi cố gắng để chờ đợi cho học sinh dần vào thế ổn định. Nhưng cái giây phút “ổn định” ấy quả có hơi lâu và dần như mỗi lúc một tăng lên. Đã có nhiều tiếng cười nhỏ to. Có em thì bịt miệng cười. Tôi không cảm thấy khó chịu, mà thực sự là tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao các em lại cười?
Nhìn thấy chục con mắt đổ dồn vào tôi, tôi mới cảm thấy dường nhu mình có gì “bị hố” đây! Không lẽ mình bị lọ lem hay quần áo có cái gì “kém văn hóa” chăng ...? Chẳng lẽ mình tự ngắm mình? Tự thú à? Mình làm “trò hề giữa sân khấu” à?.
Tôi khéo léo đi lại bàn giáo viên và ngồi xuống bàn giảng bài như thường. Tôi tranh thủ kiểm tra “sự cố”. Thì chao ôi!
Bạn biết sự cố gì không?
Tôi đi một chiếc giày đen và chiếc kia ... màu trắng! (Loại giày thể thao) ...chả là giày dép tôi để chung một chỗ. Sáng nay, chân bị ướt, tôi vội lau khô, đi vớ (bít tất) rồi xỏ chân vào giày ... lộn như thế mà đâu có hay!
                                    Lâm Hoài Nhơn
                                                            
 Thương Mẹ
              Kính tặng Mẹ tôi
Ngày xưa con thường hỏi
Sao mẹ chẳng đẹp xinh?
Rồi con tự trả lời
Mẹ đội mưa đội nắng
Với vụ chiêm, vụ mùa
Có lần con lại hỏi
Sao áo mẹ bạc màu
Rồi con tự trả lời
Bóng cha không còn nữa
Dáng cò, lội bờ sông
Bây giờ bước vào tuổi
Nửa cuộc đời mẹ ơi
Nhìn đời mình thấu hiểu
Thương vô vàn mẹ tôi     

Con ơi hãy nhớ
Ngày xưa khi còn bé
Con luôn miệng bi bô
Lớn lên làm bác sĩ
Chữa bệnh mẹ và cô
Lời bi bô thuở nào
Bây giờ con đã lớn
Mẹ vẫn còn nhớ mãi
Mà con quên rồi sao
Là con trai mười bảy
Tuổi bẻ gãy sừng trâu
Dẫu không là “Bác sĩ”
Ý chí phải đi đầu
Cầm hoa con tặng mẹ
Ngày hai mươi tháng mười
Con nhìn vào mắt mẹ
Hãy nói lời quyết tâm
Chùm thơ Lê Thị Vui
 
 
 
Mẹ Tôi
Mẹ tôi người mẹ Việt Nam
Hy sinh chịu đựng muôn ngàn khó khăn
Mẹ tôi thường bảo tôi rằng
Giông to bão lớn khó khăn làm người
Bền tâm vững chí con ơi
Sông sâu chớ ngại đường đời chớ lo
Điều hay tiếng tốt thơm tho
Ở cho người, biết sống cho ích đời
Thương con mẹ có mấy lời
Mẹ ơi, lời mẹ suốt đời nhớ ghi
Học hành đừng có biếng lười
Siêng năng chăm chỉ tránh người xấu xa
Phận mình chân chính thật thà
Chớ nên gian lận người ta chê cười
           Mai Xuân Tự

Yêu nghề
Ngày con còn bé
Mẹ cứ bảo rằng
Lớn làm cô giáo
Dịu dàng đoan trang
Lời xưa mẹ dặn
Sự thật bây giờ
Con đã vững vàng
Đứng trên bục giảng
Taycầm phấn
Nhẹ nhàng con viết
Với bảng đen
Tâm huyết lời ghi
Với học trò
Mỗi khi uốn nắn
Với đồng nghiệp
Cởi mở chan hoà
Nguyện với nghề
Gởi trọn niềm tin
Trần Thị Lệ Thủy

 

NGƯỜI CON GÁI HAY THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG,

SỰ NHẦM LẪN VÔ TÌNH HAY CỐ Ý ?

 Có lẽ, ngoại trừ sách giáo khoa còn hầu hết chuyện kể hoặc phóng tác lại từ tác phẩm nầy, kể cả kịch bản điện ảnh, người đời sau thường thay đổi tên gọi “Chuyện người con gái Nam Xương” thành “Chuyện người thiếu phụ Nam Xương”. Cách thay đổi tên gọi, một phần nào đó cho rằng Nguyễn Dữ đã có sự nhầm lẫn vô tình trong cách gọi tên, một sự  “đãng trí” thường thấy của các nhà văn tài hoa trong và ngoài nước, xưa và nay.
Thật ra,  nếu xét truyện theo hướng thể loại truyền kỳ, một thể loại luôn luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố hiện thực và hoang đường, kết hợp giữa những sự kiện có thực (có thể xãy ra trong cuộc sống) với những tình tiết kỳ ảo hoàn toàn sáng tạo theo trí tưởng tượng của tác giả thì chúng ta có thể hiểu thêm tấm lòng của Nguyễn Dữ trong cách gọi tên  “Người con gái Nam Xương” mặc dù Vũ Nương đã là thiếu phụ có chồng, có con hẳn hoi.
Cốt lỏi hiện thực đơn thuần, Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ một truyện kể dân gian tại huyện Nam Xương, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Đó là câu chuyện về cuộc đời oan khuất của một thiêú phụ đẹp nết, đẹp người. Vũ  Thị Thiết, nhân vật chính, là người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thuỳ mị, tư dung xinh đẹp. Nàng được Trương Sinh cưới về làm vợ. Gia đình đang sum họp bỗng xãy ra nạn binh đao, Trương Sinh phải đăng lính. Nàng ở nhà phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ. Để dỗ con trong những ngày vắng chồng, nàng thường trỏ vào bóng mình mà bảo là cha con đó. Ngày Trương Sinh về, con đà biết nói. Bé Đản ngây thơ kể với Trương Sinh về  người lạ đêm đêm vẫn đến với mẹ con Đản. Trương Sinh nổi máu ghen mắng nhiếc thậm tệ, đánh đuổi vợ đi. Quá oan ức, Vũ Nương nhảy xuống bến Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm, nghe con nói về cái bóng mình trên vách, chàng thấu nỗi oan của vợ nhưng việc trót đã qua rồi...
Kể lại phần truyện dân gian nầy, Nguyễn Dữ không những không hề che giấu mà còn khắc hoạ đậm nét vẻ đẹp của Vũ Nương biểu hiện qua ba vai trò của một thiếu phụ đức hạnh. Trước hết, Vũ Nương là người vợ chung thuỷ, yêu chồng. Ngay từ  những ngày đầu của cuộc sống vợ chồng, Vũ Nương đã biết “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”. Rồi khi tiễn đưa chồng ra trận, nàng rót chén rượu đầy mà hứa câu chung thuỷ với chồng “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi.” Rõ ràng, đối với Trương Sinh, nàng đã thực lòng yêu chồng, đã ý thức cao được vai trò làm vợ của mình cho dù người chồng là kẻ đa nghi, không có học.. Trong lúc chồng đi vắng, Vũ Nương đã thay chồng làm đạo hiếu người con. Nàng tận tuỵ chăm sóc mẹ chồng thực hiện phận sự của người con dâu hiếu thảo. Mẹ chồng ốm, nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật, lấy lời ngọt ngào khuyên lơn hầu kéo dài đời sống trần gian cho mẹ chồng. Lời trăng trối cuối cùng của mẹ chồng “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm miếng cháo đặng cùng vui sum họp. Song, lòng tham vô cùng mà vận trời khó tránh. Nước hết chuông rền, số cùng khí kiệt. Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con. Chồng con nơi xa xôi chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ.” đã đánh giá cao vai trò của Vũ Nương, người con dâu hiếu thảo. Với bé Đản, nàng còn là một người mẹ hiền.Trong lúc chồng đi vắng, nàng một mình nuôi dạy con nhỏ. Vì muốn bé Đản cùng cha, cùng mẹ sum họp trong những tháng ngày “bướm lượn đầy vườn”, “mây che kín núi”, nàng đã vô tình biến mình thành kẻ “gian phu” dẫn tới cái chết oan uổng của một thiếu phụ đức hạnh, thuỷ chung, trong trắng.
Nếu câu chuyện được kêí đến đây thì có lẽ Nguyễn Dữ không hề giấu giếm thân phận của Vũ Nương làm gì. Gọi nàng là người con gái hay là thiếu phụ? Cách gọi nào là đúng, là đề cao được nhân cách của Vũ Nương, chắc hẳn người đọc đã rõ. Nàng là một thiếu phụ, một thiếu phụ làm tròn cả ba vai trò trong một gia đình phụ quyền phong kiến, một nhân cách tuyệt vời để người đời ca tụng, đồng thời đó cũng là lời tố cáo đanh thép đối với thói vũ phu hồ đồ của chế độ nam quyền. Vậy mà, Nguyễn Dữ gọi nàng là “người con gái”. Phải chăng, cách gọi nầy không phải vô tình mà có ý đồ của tác giả khi phải gắn liền với những tình tiết kỳ ảo đã sáng tạo ở phần sau theo thể loại truyền kỳ? 
Thực ra,  nếu chuyện kết thúc theo lối người đời thường kể thì có ngần ngại gì khi gọi Vũ Nương là thiếu phụ. Tuy nhiên, để tạo nên kết thúc có hậu thay cho kết thúc hiện thực khắc nghiệt trong truyện kể tích xưa, Nguyễn Dữ đã cố tình hoàn chỉnh nét đẹp trọn vẹn trong tính cách Vũ Nương qua phần sáng tạo của mình. Những tình tiết kỳ ảo trong phần thêm vào vừa thể hiện tính chất truyền kỳ của truyện vừa thêm giá trị tố cáo cái nhân gian phong kiến thiếu ân nghĩa thuỷ chung đã không còn chỗ những con người ân nghĩa như Vũ Nương. Vũ Nương sau khi chết đã được Đức Linh Phi cứu sống và cho nàng một cuộc sống hết sức tốt đẹp, đầy ân nghĩa ở chốn thuỷ cung. Tại đây, trong bữa tiệc thết đãi ân nhân của Linh Phi, Vũ Nương đã gặp được Phan Lang, người cùng làng với nàng. Phan Lang được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế. Được nghe lời dặn từ Phan Lang, Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang nhưng nàng chỉ hiện ra trong thoáng chốc rồi biến đi mất. Đọc phâìn truyện thêm vào của Nguyễn Dữ, người đọc tinh ý có thể thấy tác giả đang cố tình che giấu thân phận của Vũ Nương. Được ở một thế giới khác, ân nghĩa , tốt đẹp hơn nhiều so với nhân gian, thì nàng vẫn còn nặng tình đối với cuộc đời, quê hương “ Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”. Nàng vẫn còn nặng lòng đối với chồng, với tình yêu thuỷ chung ngày nào “Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về”. Cái khát vọng trở về dương gian của nàng thật lớn và càng ngày mức độ càng tăng. Từ chỗ chưa chắc chắn“tôi tất phải tìm về có ngày” đến chỗ khẳng định dứt khoát “tôi sẽ trở về”, người đọc vẫn không tìm thấy lý do nào nàng về vì con, vì bé Đản- mồ- côi- mẹ- của- nàng. Tại sao nàng lại vô tình đến vậy, có lẽ phải đợi đến cảnh cuối, người đọc mới rõ. Trong cảnh uy nghi cờ xe, võng lọng rực rỡ đầy sông, nàng chỉ thấp thoáng giữa dòng, với lời tạ từ ngậm ngùi “đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa”. Nàng không thể trở về nhân gian vì nàng không thể phụ ân nghĩa ở chốn thuỷ cung, cái ân nghĩa nhân gian chưa từng có; mà đã không có thì nhân gian làm gì có chỗ sống cho kẻ ân nghĩa như nàng. Dù cho khát vọng trở lại dương gian của nàng có lớn đến đâu chăng nữa, thì cái quyết định cuối cùng của nàng cũng hoàn toàn hợp lý, nhưng, chỉ duy nhất với một điều kiện là nàng phải là “người con gái” còn không thì câu từ chối dứt khoát ấy cũng là lời buộc tội lại chính nàng. Bé Đản có tội tình gì mà nàng không trở về với nó? “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá nằm đường”. Tình cảm mẹ con là tình cảm thiêng liêng nhất trong những tình cảm thiêng liêng vônú có mà tạo hoá đã ban cho con người (kể cả loài vât). Trên thế gian nầy, có người mẹ nào lại không muốn ở mãi bên con để được yêu thương, chăm sóc và cũng để hy sinh cho con? Lẽ nào, Vũ Nương không dám đạp bằng sóng gió, không dám hi sinh cuộc sống riêng tư của mình để về với bé Đản, nối lại tình mẫu tử thiêng liêng? Lẽ nào, Vũ Nương lại thiếu đi cái phẩm cách cao quý ấy, và nếu thiếu đi liệu nàng có phải là một thiếu phụ đức hạnh, một người mẹ ân nghĩa, thuỷ chung?!
Phải chăng, đó còn là lý do “nhầm lẫn” của Nguyễn Dữ khi gọi thiêïu phụ  Vũ Nương bằng “Người con gái Nam Xương”?!
 NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG


Điều ước của con
                   Tặng con gái tròn 7 tuổi
Mẹ giật mình trước điều ước của con
Thấy có lỗi khi con ước thế
Cắn chặt môi. Mẹ nuốt thầm giọt lệ
Điều ước của con ... như muối xát trong lòng
Con ước: “Nhà mình hết nghèo nếu mẹ nhận lương
Cứ tháng tháng lại đem về một triệu”
Con còn nhỏ con đâu có hiểu
Một triệu kia cũng đâu thể hết nghèo???
Con ước nhà mình sẽ hết gieo neo
Hết trống vắng khi con có bố
Cô Tiên dịu hiền cho con hội ngộ
Với bố của con dù chỉ một lần
Đã nhiều năm rồi hết ngắm lại trông
Con của mẹ chưa lần nào gặp bố
Để đến giờ ... nghe con thổ lộ
Mẹ của con sao khỏi giật mình ...?
Điều ước cuối cùng con ước được thông minh
Học thật giỏi không phụ lòng của mẹ
Cuộc đời mẹ sẽ không bao giờ quạnh quẽ
Bởi đã có con - nguồn an ủi vô bờ ...
Ôi! Điều ước bình thường của con trẻ ngây thơ
Cứ rỉ máu trong thẳm sâu tim mẹ
Đối diện với con mẹ thầm hứa khẽ:
Làm cô Tiên tặng điều ước cho con
Tự hứa với lòng - Một lời hứa sắt son
Suốt đời mẹ mong cho con hạnh phúc
Còn những gì con chưa thoả được
Hãy ước đi – Mơ ước đẹp vô cùng
Cho cuộc đời rộng mở cửa tuơng lai  
Tháng 10/2004
Phan Thị Chiến
                                      
 Phấn trắng

Như trời xanh bắt đầu từ ánh sáng
Cứ mỗi ngày tôi lại đến với em
Cứ mỗi ngày tôi lại thấy yêu thêm
Viên phấn trắng dệt nên đời tươi sáng
Nghiêng mái tóc qua từng trang giáo án
Cảm thấy đời gấp mấy vạn lần yêu
Như bà mẹ nâng niu con ngày ấy
Ta lớn khôn nguồn yêu thương là vậy
Biết bao nhiêu hạnh phúc ở trên đời
Đôi bàn tay viên phấn trắng em ơi
Khi dẫn dắt truyền trình trên tấm bảng
Ta sung sướng hằng ngày trên bục giảng
Mấy chục tâm hồn quá đỗi thân thương
Ta yêu em như mến phượng sân trường
Yêu ánh nắng gió lùa qua cửa sổ
Mỗi buổi mai khi trống trường nhẹ đổ
Nghe tim mình rộn rã lắm tơ vương
Và buổi mai khi nắng sớm tan sương
Tôi lại thấy với tình thương trở lại
Mở bàn tay “phấn trắng” cho tương lai
Và khép lại đón ngày mai phấn trắng
Nguyễn Thị Vân (Hoá – sinh)
 
 Dòng đời
 
Còn một chút nắng vàng trên ngọn cây
Ngày sắp qua và nắng sẽ hao gầy
Dòng đời chúng tôi cũng vàng như nắng
Một chút diệu kỳ gửi lại mai sau
Nguyễn Thị Tưởng
 
 
Niềm vui

Ngôi trường thương mến vẫn còn đây!
Gió chiều man mác lá rơi đầy
Con đường đến lớp vòng quanh xóm
Cùng bạn, cùng em, cùng mê say
                ***
Buổi sáng, buổi chiều bận rộn thay!
Mỗi ngày hai buổi cứ đi hoài
Công việc mong sao hoàn thành tốt
Niềm vui rộn rã cứ đong đầy!
                 ***
Làn gió nào về phảng phất “hương”
Hoa sữa thơm thơm cả sân trường
Mây trắng lang thang tìm giấc mộng
Nghe vỡ tan rồi trong nhớ thương.
                      Nguyễn Thị Tưởng
 Cô học trò xưa
Em về thăm lại thầy xưa
Nói sao cho hết cho vừa thầy ơi
Lòng em quá đỗi bồi hồi
Tóc thầy nay đã bạc rồi còn đâu?
Thời gian chẳng có bao lâu
Mà sao kỷ niệm ngả màu rêu phong?
Em – cô học trò nhỏ năm xưa
Bây giờ em đã nắng mưa đưa đò
Hôm nay bao lớp học trò
Vẫn bài học cũ mà thầy dạy con
Vui sao đến lớp mỗi ngày
Cầm trang giáo án thương thầy biết bao
Em tự nhủ với lòng mình
Dìu đàn em nhỏ tận tình mê say
Tam Kỳ, ngày 27/10/2005
Nguyễn Thị Thu Vân

ĐƯỜNG VỀ

Truyện ngắn.

Ngày xưa...

Giọng người hướng dẫn viên du lịch vừa bắt đầu thì trong trí ông cũng gợi mở biết bao hình ảnh ngổn ngang trong ký ức. Khi người ta cố tình quên mà quên không được thì quá khứ chỉ là những mảng màu nhoè nhoẹt, không rõ bố cục. Ngày xưa của ông hay là ngày xưa của huyền thoại mà Thắm đã kể ông nghe!? Cố tĩnh tâm ông mới sắp xếp được chúng lại thành một hành trình thăm thẳm trong lòng . Ngày xưa...Ừ thì bắt đầu từ chuyện ngày xưa của người hướng dẫn viên du lịch cũng được...
 Ông cố nhớ cái giọng nói mộc mạc, quê mùa của người con gái, giọng của Thắm, đã kể ông nghe:“ ...Ngày xưa, có một chàng công tử ởì kinh thành mắc phải căn bệnh lạ: toàn thân bỗng nhiên bỗng lở lói, sần sùi. Chàng được chạy chữa khắp nơi nhưng tất cả danh y đều bó tay. Những chiếc áo kiểu cách công tử lượt là không còn phù hợp. Chàng phải cởi nó ra để đóng khố như con nhà dân mới bớt khó chịu. Ăn vận theo kiểu nghèo nàn lại bị nhốt kín trong phòng vì sợ lây nhiễm, khiến chàng không muốn sống nữa. Con nhà quan mà bị người ta khi dễ thì còn gì! Rất nhiều lần định tự vẫn nhưng chàng không dám. Thay vì kết liễu đời mình bằng độc dược, chàng dằn lòng khăn gói ra đi với hy vọng cuối cùng: nhờ một phép tiên nào đó. Nếu may mắn, chàng sẽ lành bệnh còn không thì gửi tấm thân tàn vào chốn hoang dã nghìn trùng cũng hơn là ở nơi đô hội mà bị người đời ghẻ lạnh. ... Trong một đêm trăng mờ, chàng nhắm mắt xuôi dòng. ...Năm tháng nổi trôi, bước chân lưu lạc... kiệt sức dừng lại nơi nầy. Nhìn tấm thân dơ dáng dại hình của chàng, ai cũng sợ và tìm cách lánh xa chỉ trừ mỗi một người con gái quê thương tình che lều, đem chàng về nuôi vì nàng nghĩ chàng sẽ có chút may mắn nào không với dòng suối ngày đêm bốc khói tại quê nhà!? ...Rồi từ đó, hằng đêm, những đôi nước được nàng quảy từ suối về lều. Sợ đường xa, nước hết nóng nàng phải vừa gánh vừa chạy. Có những đêm tối trời, đường núi gập ghềnh, chân nàng rướm máu mà nàng vẫn không cảm thấy đau. Trời Phật thương tình, lòng người toại nguyện. Căn bệnh lạ của chàng cứ bớt dần... bớt dần. ...Từ ấy, mỗi đêm, nàng đã đưa chàng đến tắm ngay ở dòng suối nầy. Và cũng từ ấy, dòng suối linh thiêng bỗng nhiên trở thành nơi thổ lộ tâm tình. Trong một đêm trăng sáng ngời, thánh thiện chàng đặt trên môi nàng nụ hôn của tình yêu pha lẫn lòng biết ơn. ... Hoàn toàn hết bệnh, chàng trở về kinh thành với lời hứa sẽ xin phép gia đình đến cầu hôn, cưới nàng về làm vợ. Nàng âm thầm chờ đợi, mỏi mòn theo con nước  vơi đầy. ... Cho đến một hôm, có một đoàn người khăn áo chỉnh tề. Cả làng bàn tán, dị nghị còn nàng thì vô cùng mừng rỡ. Ước nguyện ăn đời ở kiếp cùng chàng đã được đất trời chấp thuận...Nàng vừa mừng nhưng cũng vừa lo vì trong đaúm người ấy vừa lạnh nhạt vừa không có bóng dáng chàng. Với tình yêu chân thành, nàng vẫn hằng ước rằng chàng chỉ là con nhà dân dã bình thường thôi để nàng có thể được ở mãi bên chàng. Xưa nay, chuyện hôn nhân cách biệt , nàng chỉ có thể tin được vào chuyện cổ tích người đời thường kể... còn thực tế, những cô gái nghèo nàn như nàng chỉ được phép đem thân hầu hạ chứ làm sao thành vợ người quyền quý được. Nỗi lo của nàng quả đúng. Người ta đem tiền vàng để hậu tạ và tỏ lòng biết ơn công sức khó nhọc của nàng còn chuyện hôn sự của chàng đã được định đoạt trước bởi hai họ quan gia rồi! ... Nàng khóc một hồi...cầm cả bị tiền vàng chạy ra ngoài suối ngữa mặt lên trời nói lời từ biệt và neúm tung toé xuống suối. ... Kể từ đấy, không còn ai thấy bóng dáng của nàng đâu nữa, chỉ thấy phía bờ suối, nơi những đồng tiền vàng rơi vãi, nước bỗng dưng sủi bọt trắng xoá rồi dần dần hình thành những miệng chảo nhỏ bốc khói sôi sùng sục. Dường như sức nóng của cả dòng suối được tiếp thêm vào những lòng chảo ấy nên nó nóng đến nổiì người ta có thể lụôc chín những quả trứng gà ...” 
Thắm kể câu chuyện đó với ông chẳng qua là do những chén bánh bèo mà Thắm mang đến cho ông. Những chén bánh bèo có cái xoáy ở giữa thật tròn để Thắm ví dụ với những lòng chảo suối khoáng trong câu chuyện. Bánh bèo mẹ Thắm đổ là bánh nổi tiếng của vùng quê nầy. Nhà Thắm dưới chân đèo Tư Yên, chỗ người ta thường nghỉ chân trước hoặc sau khi qua đèo. Như đã thành lệ, họ thường tìm đến quán mẹ Thắm  để được gặp người quen, để được trò chuyện râm ran và cũng để được thưởng thức món bánh bèo nổi tiếng nhất vùng. Những chén bánh bèo mới đổ bằng bột thật mịn được chọn từ gạo rất kỹ nên trắng tinh, thơm dẽo và đặc biệt là rất xoáy. Trăm chén như một, chén nào cũng xoáy như nhau. Rất tròn trĩnh và phúc hậu. Người thực khách không cần phải chọn lựa nhọc công. Bánh gạo đã ngon mà nhân càng ngon hơn. Nhân bánh được mẹ Thắm làm bằng tôm băm vằm đỏ hồng. Cái loại tôm nò mà cha Thắm đánh được ở suối, còn sống, thịt chắc nịch, búng tưng tưng trong nồi trước khi bị luộc chín.Nhân tôm là chính, nhưng sự quyến rũ không dừng lại ở đó. Nó được cộng thêm ít hương vị của dăm cộng hành lá xắc nhỏ, nhúm đậu phuüng rang giã vàng, cùng lớp dầu phi hành thoa bằng cộng chuối thơm nức mũi. Thực khách cầm xeo xắn bánh hình hoa thị rồi quay vòng đêí bánh rời thành miếng vừa miệng ăn; chan tí  nước mắm giằm ớt thật cay vào  là nước miếng đã bắt đầu ứa ra. Vừa ăn vừa hít hà trò chuyện thành quen, thành ghiền nên quán mẹ Thắm thuở ấy lúc nào cũng đông khách...
Nhớ lại  những chén bánh bèo, ông nghe trong lòng mình như còn đang râm ran thấm  cái hương vị xưa mà chắc chắn cho hết đời ông chẳng bao giờ tìm thấy nữa. Rồi từ cái hương vị mang nhiều dư âm ấy, kỷ niệm lại bùng lên. Ông quen với nhà của Thắm như một duyên nghiệp vay tra,í trả vay mà rốt ráo ông là người khất nợ cho đến bây giờ...
Ôi, cái ngày ông còn là một cậu học trò quê. Cha mất sớm, mẹ con ông dắt díu về sống ở cái vùng bán sơn, bán địa nầy. Ngoài những buổi đi học ra, ông thường có cái thú xách cần ra suối vừa để giải trí sau những bài toán hóc búa vừa để thêm chút thức ăn giúp mẹ đang chạy vạy từng bữa nuôi ông.
Một hôm,  cái miếng mồi câu được rút bởi một chú cá tràu thật to. Ông sợ tụt mất cá nên không giật sớm, chỉ vừa rút vừa thả, đợi cá cắn câu thật chặt rồi giựt cần cho an toàn. Con cá ranh mãnh kia cũng cố giằng co với ông. Hắn khôn nên cứ  chui xuống sâu mà cố tìm đường thoát. Ông giựt mạnh, hắn được giữ lại bởi một bụi cây mọc ngầm từ đáy suối. Ngồi trên bờ mà cứ đắn đo mãi, đợi người đi qua mượn gỡ giùm nhưng chẳng thấy ai. Ngày một chiều, thôi đành làm liều. Bơi yếu thì vịn cây mà gỡ... không ngờ tụt tay... ông chới với trên mặt nước. Tưởng đời chấm dứt tại đây, ai ngờ, có qưới nhơn đi qua nhảy xuống kéo ông vào bờ rồi tiếp tục bơi ra gỡ cá cho ông.
Thoát chết mà cá không mất, ông cảm ơn ríu rít. Cầm con cá tràu tổ bố quỳ xuống xin tạ ơn cứu mạng, người ấy cười khà khà: “Thôi đem về nấu cháo mà ăn. Bác về cho bà nhà kịp làm nhưn (nhân). Lần sau đi câu thì lựa chỗ cạn, ít cá nhưng an toàn. Còn muốn biết bơi ngày rãnh đến tìm bác, bác dạy cho.”
Đó là món nợ thứ  nhất của ông đối với nhà Thắm và để trả món nợ nầy thì ông lại mắc thêm nón nợ khác, món nợ lớn nhất của đời ông, món nợ tình cảm...
 Sau cái lần thoát chết đuối, ông lân la đến nhà Thắm chơi. Nghĩ mình phải làm việc gì đó cho xứng với ơn cứu mạng, ông bày vẻ cho Thắm học. Thắm học dưới ông ba lớp, cô gái chăm  việc nhưng lười học. Thắm bảo với ông rằng con gái thì học nhiều làm gì chứ, học cho biết thôi rồi ở nhà giúp mẹ bán buôn. Thực tình, Thắm cũng cũng không có nhiều thì giờ để có thể tập trung vào chuyện học. Con gái nông thôn có đủ thứ chuyện  làm. Thắm bận bịu cả ngày, chân tay không rãnh thì đầu óc cũng bận theo. Còn chút thì giờ , Thắm dành để cho mình mơ mộng viễn vông và để  tìm cớ trả ơn cho sự kèm cọc học hành bằng những chén bánh bèo nóng hổi mà Thắm cố tình mang ra tận ngoài suối, chỗ ông câu, để kể cho ông nghe đủ chuyện của một vùng đất đầy tình người.
Mỗi lần được gặp ông là Thắm vui lắm. Ông biết tình cảm Thắm dành cho ông khá đậm đà. Người con gái nông thôn có vẻ đẹp mặn mà như Thắm cũng làm ông thích. Tuy chưa phải đối tượng mà ông chọn lựa nhưng ông chẳng chối từ. Cái ỡm ờ nửa có, nửa không đã tạo cho Thắm biết bao viễn cảnh trong lòng. Rồi cái viễn cảnh hư ảo ấy bỗng dưng thành hiện thực bởi cái máu thi sĩ lãng mạn của ông. Bài thơ ông tặng Thắm như cái đinh ghim Thắm lại với ông. Có thể gọi đấy là sự kết nối cũng được. Tuy nhiên, ở đời mà, sự kết nối có thể bền chặt đối với người nầy nhưng cũng có thể hết sức lỏng lẻo đối với kẻ khác.
Cái bài thơ khiến ông thêm một lần mắc nợ ấy cứ lãng vãng theo ông cho đến bây giờ mặc dầu sau sự cố nầy ông đã bỏ làm thơ. Ông nhẩm đọc một mình:
“Ngày xuân kết chuỗi hoa sim
Chưa đeo lục lạc mà tìm em đâu?
Kiệu vàng, rót mật ai say
Giấu trong ngọn cỏ nỗi đau đại ngàn!
Ngày xuân... em trẩy hội  làng
Ngựa ô...anh hát ngỡ ngàng trong mơ”(*)
Ôi! Cái bài thơ oan nghiệt ấy làm đỏ rực ngọn lửa tình yêu kín đáo của Thắm dành cho ông từ trước tới giờ. Thắm mỗi lúc một gần gũi hơn còn ông thì cố tìm cách giãn ra. Với Thắm,  nếu không phải là trò đùa  của tình yêu thì cũng chỉ là nỗi thương hại của ông, của một con người đầy tham vọng, sắp thành đạt, đang háo hức và cố chiếm hữu một vị thế hơn người, ngay cả trong tình yêu cũng vậy. Chính vì lẽ ấy mà khi ông được tin báo đỗ đại học, ông chẳng chút ngần ngừ nào cả khi phải sắp rời làng, rời bao kỷ niệm đã in đậm bóng ông trên sông nước quê nhà.
Đêm chia tay, ông gượng ghạo hôn Thắm, nói lời từ biệt mà không có lấy một câu hứa hẹn...
Rồi hoà bình lập lại đã tạo thêm điều kiện để ông học hành thành danh nơi xứ người. Ông sinh cơ lập nghiệp và đưa cả mẹ vào sống luôn ở đấy. Quê nhà thay đổi, ông không để ý. Lòng ông chỉ thoang thoáng xúc động khi nghe tin cả làng dời đi nơi khác nhường chỗ cho một công trình thuỷ lợi lớn. Cái làng nuôi ông, cứu ông đem tình yêu tô điểm cho cuộc đời của một cậu thư sinh quê nghèo như ông đang chìm trong sóng nước như chìm trong nỗi thương nhớ ơ hờ. Ông sợ Thắm trách, sợ người làng  khinh dễ nên đã bao lần muốn về thăm mà ông chẳng  thực hiện được.
Cho đến hôm nay, tóc đã hoa râm... ngồi trên thuyền nhìn biển nước mênh mang, lòng vẫn vơ theo câu chuyện cũ...

Người hướng dẫn viên du lịch kết thúc huyền thoại về dòng suối khoáng Phú Ninh và trục vớt ống nước suôí lên khỏi mặt hồ. Mọi người trong đoàn tham quan hào hứng thò tay xem thử . Nước trong ống chảy ra trắng toát, nóng hổi. Có người lấy chai hứng để uống. Có người tiếc rẻ vì không được nhìn thấy những lòng chảo khoáng  giận dữ sủi nước trắng xoá như trong câu chuyện kể...
Một người trong đoàn đề nghị ông:
            - Thủ trưởng ngày trước ở đây, thủ trưởng xem thử nước khoáng bây giờ có nóng hơn ngày xưa không?
            Ông bật đứng dậy đưa tay vào giữa vòi chảy rồi rụt ngay vào:
            - Nóng quá, nóng hơn ngày xưa đấy!
            - Lạ nhỉ, bây giờ đâu có đồng tiền vàng mà ném, vả lại có đi nữa thì chả ai dại gì ném xuống hồ cho phí... để chiều chiều đi nhậu lai rai sướng hơn.
            Cả bọn cười ồ, lại một giọng cười cợt bỡn đùa nữa vang lên:
- Thì phải có người ném cái gì xuống đấy nước mới nóng hơn được chứ?!
Mọi người xoay lại để tìm kẻ phát ngôn. Thì ra cái anh chàng Lâm thi sĩ, chuyên làm thơ tình tán tỉnh thiên hạ. Nội dung đùa lại tiếp tục chuyển hướng vào Lâm:
            - Ừ, thì phải có anh chàng thi sĩ ngốc nghếch nào đó neúm xuống một bài thơ đấy chứ!.
            Lâm thẹn thò đỏ mặt, mọi người thêm dịp cười ồ. Còn riêng ông, ông thấy lòng đau nhói. Ông lại lẩm bẩm hai câu cuối bài thơ oan nghiệt của ông :
” Ngày xuân... em trẩy hội làng.
                                    Ngựa ô...anh hát ngỡ ngàng trong mơ”...
Sóng nước vỗ vào mạn thuyền nghe như tiếng vó ngựa vinh quy cấp tốc về làng... Trước mắt ông hiện ra là cả một đoàn người đang phi nước đại...bóng ngựa thấp thoáng trên những bóng người đang vẫy cả hai tay chào đón. Ông đảo mắt tìm quanh trong đám người ấy một khuôn mặt quen thuộc của mấy chục năm về trước nhưng ông không tìm ra vì họ bị che khuất bởi đám bụi đường ...Và thật lạ, đám bụi đường làng bấu víu dưới chân ngựa lại đen sì giống như bụi khói ô tô ở chốn thị thành...
Có tiếng người hướng dẫn viên du lịch đon đả, bất giác làm ông choàng tĩnh:
-Mời quý khách, đoàn chúng ta tiếp tục đến tham quan Đảo Su...

 

         Tam Kỳ, tháng 7-2005.
Nguyễn Ngọc Chương
-----------------------------------------------------------------------(*) Thơ Phan Thanh
Nhớ
 
Dù em chẳng xa đâu
Thế mà anh vẫn nhớ
Anh gởi nhớ về chiều
Màu tím áo dài em
Anh gởi nhớ vào mây
Mây bay khung trời rộng
Anh gởi nhớ vào em
Anh thổn thức đợi chờ
Dòng sông nhớ tìm về biển cả
Còn anh nhớ em đợi trống tan trường
Anh gởi nhớ vào thời gian em vắng
Dù chỉ xa em vẻn vẹn nửa ngày
           
            Đặng Thị Hồng
 
 
Nợ
Bất ngờ tôi gặp lại
Tên anh trong số mình
Tayrà ngọn bút chấm
Hãy gọi một lần xem
Cậu học trò ngơ ngác
Taycầm vở bước lên
Tôi bỗng đặt câu hỏi
Em rụt rè thưa cô
Tôi tự nhủ lòng mình
Thôi cho em về chỗ
Lần sau học kỹ hơn
Nợ một lần em nhớ
Nếu em chẳng trùng tên
Thì tôi đâu cho nợ
Để tôi có nhiều lần
Gọi tên em gợi nhớ       
Huỳnh Thị Thanh

Những giây phút thư giãn
Nói chung, ai cũng muốn trong quá trình làm việc cũng phải có những giây phút thư giãn. Để rồi những giây phút thư giãn ấy mỗi người tự tìm ra một hoạt động bổ ích, hấp dẫn phù hợp với năng khiếu, năng lực, trình độ của mình dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thật vậy, những giây phút thư giãn ấy nó luôn được bố trí một cách hợp lý. Sau những giờ làm việc căn thẳng, mệt nhọc; có người thì lao động bằng chân tay, có người thì lao động bằng trí óc mỗi người một lĩnh vực, môi trường khác nhau. Nhưng ai cũng có những giây phút thư giãn để nghỉ ngơi, những giây phút ấy luôn là cầu nối giữa khoảng thời gian thực hiện công việc.
Mặc dù những giây phút thư giãn ấy thật là ngắn ngủi, hạn chế. Tuy có những người lợi dụng những giây phút ấy sáng tác thơ văn, vè tấu hoặc viết nên những mẩu chuyện vui, hoặc có tính chất lịch sử rất hay và hấp dẫn để rồi có cơ hội ngâm đọc thơ, hò vè hoặc kể lại những mẩu chuyện ấy cho mọi người cùng nghe và thưởng thức. Có người vận dụng những giây phút ấy mà đọc báo, xem truyện để biết được tin tức hoặc các hoạt động khác của xã hội diễn ra hằng ngày, hằng giờ được đăng trên báo chí đồng thời từ đó rút kinh nghiệm để viết nên những bài báo phản ánh lên thực tế các hoạt động của xã hội, của gia đình và của chính bản thân mình để được đăng bài báo cho mọi người cùng xem; cũng có những người ngồi trước chiếc ti vi theo dõi tin tức thời sự hoặc các hoạt động khác ở trong nước cũng như ở nước ngoài diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên màn hình; có những người vận dụng những giây phút ấy để tham gia vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ hoặc các hoạt động thể thao khác dưới mọi hoạt hình thức khác nhau; có những người lại cùng nhau tổ chức ra nhưng trò chơi hấp dẫn và bổ ích; có người lợi dụng những giây phút ấy đi thăm chơi ngắm cảnh, hoặc đi đến các công viên giải trí vui chơi và thưởng thức; có người vận dụng những giây phút ấy đi đến thăm chơi những người đồng nghiệp đang công tác hoặc đã về hưu, đi thăm bà con hàng xóm sau những ngày vắng mặt, thăm những gia đình nghèo khó cô đơn, những trẻ em gặp phải những cơn bệnh khuyết tật để động viên an ủi họ trong cuộc sống hằng ngày.
Cũng từ những giây phút ấy mà có những người có đượcc hội để hoàn thành công việc đang làm còn dở dang, cũng từ những giây phút ấy mà có những người cùng nhau thảo luận về kế hoạch, phương án để chuẩn bị triển khai thực hiện.
Cũng từ những giây phút ấy mà chính bản thân của tôi cũng có được cơ hội quan hệ với quần chúng nhân dân ngoài khu vực trường để nghe ngóng tình hình, nắm bắt kịp thời những thông tin và diễn biến mọi tình huống xấu, biểu hiện tiêu cực như trộm cắp, phá rối hoặc các tệ nạn xã hội khác để rồi tìm ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm hỗ trợ thêm sức mạnh vào công việc mình đang đảm nhiệm nhằm bảo vệ tài sản trong trang thiết bị, máy móc trong trường học ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn.
Nói tóm lại, qua các hoạt động được diễn ra trong những giây phút thư giãn trên đây chúng ta có thể kết luận rằng: mặc dù những giây phút ấy nó vô cùng ngắn ngủi, hạn chế nhưng nó rất bổ ích và thực tế. Nếu chúng ta biết bố trí một cách hợp lý không lãng phí và biết vận dụng nó đúng lúc, đúng nơi thì nó có thể được coi là món quà tinh thần vô cùng giá trị và nó trở thành giọt máu trợ tim trong cuộc sống bề bộn, hối hả hiện nay.
 Mai Xuân Tự
 
 Gởi mai sau
Cây cỏ gởi mai sau
Qua chồi biếc, quả ngon
Muôn thú truyền kiếp tới
Bằng đàn con khôn lớn
Thiên nhiên cứ vậy sinh tồn
Như hiện hữu những vòng tròn bất biến
Còn loài người...
Gởi mai sau qua từng con chữ
Như ngọn lửa từ hồng hoang tiền sử
Cháy bừng lên bao khát vọng đổi đời
Tố Nga
 
 
Mưa rơi dầm dề
Mưa rơi dầm dề
Gió rét lê thê
Rảo bước chân đê
Rẽ về lối nhỏ...
Tựa tán cây to
Nhìn thấy đàn cò
Đang bay trong gió
Ướt cánh cò con
Ngó thẳng lên non
Một cặp nai con
Nhảy nhót lon ton
Hai con đẫm ướt
Nhìn sang rừng đước
Thấy đôi khổng tước
Song song sải bước
Cố vượt gió mưa
Ngó lên cành dừa
Tiếng đàn kiến lửa
Kéo con bọ ngựa
Mặc gió, mặc mưa
Mưa còn dầm dề
Gió còn lê thê
Đàn kiến đã về
Yên trong tổ ấm
Gió mưa vui ít - phiền nhiều
Cò, nai, khổng tước... thảy đều lo toan
Chỉ riêng lũ kiến cỏn con
Vững vàng - chăm chỉ làm tròn chức năng
Ngô Minh Hải
 
 
 
 
Niềm tin và tấm lòng
 Trường tôi nằm ở cuối làng
Bình yên núp dưới bóng hàng tre xanh
Các em hai buổi học hành
Sân trường bao mái đầu xanh vui đùa
Thầy cô không quản sớm trưa
Dắt dìu như kẻ đưa đò qua sông
Bao niềm tin - một tấm lòng
Các em là những nụ hồng mai sau
Thầy cô tóc dẫu bạc màu
Xuân qua là để bắt đầu cho em
 Nguyễn Thị Loan
 
Em - cô giáo dễ thương
Bát canh ngon, em để phần cha
Lá trầu cay, thảo thơm phần mẹ
Cái miệng có duyên, em phần riêng anh
Phần con câu hát, lời ru ngọt ngào
Em xinh đẹp và áo dài tha thướt
Nhưng em vẫn là em giữa đời thường
Trong trái tim anh
Em hiền như cô tấm
Trong mắt học trò
Em hiền như người mẹ
Em mãi là như thế
Với anh suốt cuộc đời
Lâm Hoài Nhơn
 
 
Nhật ký...
 Ngày 4/9
 (23h) mà mình vẫn không ngủ được, hình ảnh em học sinh hân hoan sung sướng cùng bố đến nhà khoe: “Cô ơi! Năm này em được đi dự lễ khai giảng rồi đấy cô ạ! Bảy năm đi học nhưng chưa bao giờ em được nhìn thấy buổi khai giảng. Hôm nay, bố chở em đến để xin cô sáng mai cho em được ngồi ghế dựa cô nhé”.
Trời ơi! Nghe em nói tôi cảm thấy trái tim mình như có bàn tay ai bóp chặt, vui - buồn - thương em lẫn lộn. Khoa ơi! Cô thật sự vui mừng cùng em. Một ước mơ bé bỏng của đứa học trò bị loãng xương không tự đi được từ khi còn học lớp Một. Tội nghiệp em, cô sẽ chờ đón em vào ngày mai – Đó là buổi khai giảng đầu tiên trong đời em.
Sáng nay – 5/9
Sau khi khai giảng về, lòng mình cảm thấy buồn vô hạn. Không có mặt Khoa ở sân trường để đón nhận buỏi khai giảng như em hằng mong chờ. Chiếc ghế dựa vắng bóng em, mình bần thần không biết điều gì xảy ra, chỉ nghe phong phanh rằng em đi tắm, vào nhà thay đồ vì quá nôn nóng đến trường cho đúng giờ nên trượt té. Gãy xương đùi, xương sống phải đưa đi bệnh viện. Vậy là ước mơ bé nhỏ của em tan thành mây khói...chắc là em phải nghỉ học dài ngày. Thương quá Khoa ơi !. Cô cầu mong em mau mau bình phục để đến trường.
Nhận lớp chủ nhiệm được hơn hai tuần ( 20-9) mình đã nắm rõ lý lịch của từng em. Sao lớp mình có quá nhiều mảnh đời bất hạnh thế: Có cha – không mẹ, có mẹ mất cha, mất cả cha lẫn mẹ, không cha, cha nát rượu, mẹ làm thuê. Nhiều quá, quá nhiều. Ngay cả bản thân em phải đi ba gác để kiếm tiền nuôi thân... làm sao đây ư! Hầu hết những em này đều bê trễ trong học hành, lầm lì khó bảo phải làm gì đây! Mình phải xử như thế nào? Mỗi em một cảnh đời khác nhau. Khó đấy phải cố thôi!.
Tối (30-9)
 Công việc của một giáo viên chủ nhiệm ngoài việc đôn đốc theo dõi học sinh trong học tập, cần phải hoàn thành thêm công việc...mình không muốn nhắc đến các khoản thu đã quy định với học sinh nhiều. Mặc dù các em đó đã được ưu tiên nhưng làm sao hơn, ưu  tiên rồi nhưng phần còn lại vẫn không thể nào xoay xở nỗi...
...sáng nay ngồi soạn bài, cơn mưa đổ xuóng như trút nước. Bỗng một người phụ nữ tất tả đi qua đi lại ngó ngó nhìn nhìn vừa gánh gánh bánh bèo để trước nhà vừa đặt cái nón xuống đất, lục đục trong túi lôi ra một xấp bạc 1000 đồng và 2000 đồng nhàu nát, đếm đi đếm lại và cố vuốt cho thẳng rồi dúi dúi vào tay mình. Mình quá bàng hoàng không kịp phản ứng gì cả - nước mắt chảy dài...và mình đã đẩy ra... đó là mẹ của D. đến để nộp học phí cho em.
Chiều nay (5-10) đến lớp, Đạo đã đi học trễ, không học bài, không soạn bài, áo không bản tên, chân mang dép lê, quần không nịt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mình tức quá đã nặng lời với em. Em vẫn nín thinh và đứng như trời trồng. Mình định nói tiếp nhưng nghe tiếng híc... híc... của em. Lòng mình chùng xuống gọi em lại bàn và được biết em phải đạp xe ba gác chở hàng cho khách từ chợ Tam Kỳ đến chợ Tam An. Mình lại khóc nhưng cố giấu trước học sinh. Một em học sinh bố mất vì uống rượu, phải cùng mẹ mưu sinh. Em đã tranh thủ những giờ nghỉ học để đạp xe kiếm tiền. Em về trễ, không kịp ăn, không kịp học bài... vội vã chạy đến trường cho kịp giờ học. Cái lo, cái sợ, cái mệt làm mồ hôi ướt đẫm...thế mà cô đã..., cô đã quá đáng,  phải không em ? !.
Tối (8-10)
Hà – em học sinh nữ lớn nhất lớp bỏ học gần một tuần với lý do bố nát rượu say xỉn, đánh đập mẹ con em, đốt cả sách vở không cho đi học. Mình đã đến nhà thăm, nhưng mẹ em bất lực không dám trái lời người chồng. Mình đành tuyệt vọng ra về.
Thế mà, chiều nay em bỗng dưng xuống hiện ở lớp, xin mình cho học một tiết Văn cuối cùng để ngày mai đi vàoNamcùng anh trai. Hà ơi! nghe em xin học mà lòng cô tan nát, ước mơ của em được đi học, được gặp bạn bè, thầy cô... thế mà vẫn không thực hiện được. Bài học “Cô bé bán diêm” sao hôm nay cô không giảng được, vì em ngồi đó, vì em cúi đầu, tay ôm mặt khóc rưng sức và em đã nhanh chân chạy ra khỏi phòng. Lớp học lặng ngắt. Ngoài trời tầm tã mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, gió thổi vi vút mang cả hạt mưa và hơi lạnh vào phòng nhưng sao lòng mình như có lửa đốt. Ngày mai em đi rồi...không biết ở nơi ấy em có được tiếp tục là học sinh không? Cô biết phải làm gì giúp em đây! Hỡi tất cả những mảnh đời bất hạnh của lớp mình ơi! Nếu có một điều ước cô sẽ mãi mãi là một que diêm không bao giờ tắt trong câu chuyện “Cô bé bán diêm”...
Tuyết Hạnh

Phía không xuân
Vui bao nhiêu cũng chẳng vừa
Tôi đi tìm phía dư thừa mùa xuân
Ngỡ là trời rộng mêng mông
Hiếm gì hoa lá, vô cùng thanh âm
Ai ngờ phía ấy không xuân
Chẳng tìm đâu nụ, tầm xuân tơ hồng
Tạp âm dậy giữa phố phường
Kẻ mua người bán đường trường khó chen
Nơi này lẫn khuất tiếng chim
Nên chi vắng bặt giọng em mỗi ngày
Nơi này trơ trọi bóng cây
Cỗi cằn nhoà nét thơ ngây mất rồi
Lời tôi bạt giữa cuộc đời
Bàn tay thoi cứ chơi vơi giữa dòng
Bảng đen, phấn trắng ngỡ nhàm
Lại là nỗi nhớ đêm đêm điệp trùng
Giá đừng đổi dạ thay lòng
Xa em tìm chốn phố phường bon chen
Ngỡ mình dư giả mùa xuân
Hoá ra phía ấy không xuân mất rồi
                     
Nguyễn Thị Khương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay364
  • Tháng hiện tại10,272
  • Tổng lượt truy cập3,915,309

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3349 | lượt tải:878

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2315 | lượt tải:540

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:5002 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9960 | lượt tải:1544

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2536 | lượt tải:560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây