KỶ YẾU 20 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN (28.8.2000-2020)

Chủ nhật - 23/08/2020 17:18
Nhằm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường THCS Chu Văn An (28.8.2000-2020), BBT trường xin giới thiệu kỷ yếu 20 tập san Đồng Vọng của trường.
chao co
chao co
 1. LỜI NGÕ
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa quý cha mẹ học sinh!
Kính thưa quý thầy cô giáo! Cùng tất cả các em học sinh trường THCS Chu Văn An thương mến!
20 năm- với bao nhiêu vui buồn, kỷ niệm ấy cứ tuần tự tuôn trào… Ký ức như những thước phim quay chậm, cận cảnh và rõ nét, hiện lên trong tâm khảm những người từng gắn bó với nghiệp đưa đò trường THCS Chu Văn An. 20 năm, không phải là quá dài, cũng chẳng hề quá ngắn cho một hành trình vun xới ước mơ… 20 năm không là cổ tích. 20 năm là cả một tiểu thuyết đong đầy tâm tư viết từ những tâm sự thầm kín của một cõi trồng người. 20 năm qua, trong cái vội vã của dòng đời tất bật, có khi nào chúng ta nghe thấy một âm vang? Đó là lời đồng vọng của hôm qua lan tỏa vào hôm nay, bình yên như một lời nguyện cầu: nhiệt huyết, an nhiên và thành đạt! Dấu ấn trên chặng đường 20 năm- Mỗi chúng ta đang nâng niu những mảnh ghép thời gian, cảm xúc và hoài niệm giáo dục trong suốt 20 năm dệt thêu giấc mộng lành của trường THCS Chu Văn An yêu dấu. 20 năm tròn vành vạnh kỷ niệm, 20 năm căng tràn thanh xuân của một tập thể sư phạm giàu nhiệt huyết, không ngừng đổi mới và phát triển để rồi từng bước khẳng định mình, trở thành một đơn vị giáo dục uy tín, chắp cánh ước mơ bằng giáo dục toàn diện và thực sự là ngôi nhà thứ hai của giáo viên, học sinh bao thế hệ. 20 năm bền bỉ sự nghiệp trồng người, vững tin ươm mầm tri thức, miệt mài trang bị nhân cách, tri thức cho lớp lớp học sinh thương yêu, hai chữ “Tâm” và “Tầm” đã cộng hưởng giao thoa tạo nên sức mạnh của yêu thương và trí tuệ. 20 năm qua, bao bài giảng vẫn đong đầy trái tim, bao lời dạy vẫn sáng bừng tâm huyết. Tổ ấm học đường này là nơi chúng ta hạnh ngộ để cho và nhận nhân cách làm người. Những dòng phù sa tri thức và tâm hồn quyện chảy bồi đắp vào từng niên khóa, từng năm học, từng thế hệ để cánh đồng Chu Văn An xanh ngát tương lai và nghĩa tình. Lời tri ân sâu sắc 20 năm trường Chu Văn An, xin tri ân tất cả! Tri ân tâm sức của những người tiên phong xây dựng trường từ những ngày đầu sóng gió đã buộc lòng mình với sư phạm, quên cả chữ “Lợi” để vun đắp chữ “Đạo” cho đời, miệt mài, vững tâm, bền sức đầu tư cho giáo dục, dẫu ngoài kia, dòng chảy mưu sinh vẫn còn bao thử thách! Tri ân những cô thầy tóc đã ngả màu, tuổi đã đi qua thanh xuân nhưng còn xôn xao những giai điệu của mùa xưa cũ, rộn rã những vui buồn, nuối tiếc đầy ăm ắp ngăn tim. Những người thầy “Xa” bục giảng nhưng vẫn “Gần” trường như một kẻ si tình đắm đuối, nặng nợ với một mối tình trong vắt, trinh nguyên, vì đam mê còn mắc víu với nghề. Tri ân những người đương thời xem trường Chu Văn An như một phần của cuộc sống. Những người thầy: dốc tâm huyết để răn dạy học trò sống tốt; mang niềm tin đánh thức bản ngã học trò như một phép mầu nhiệm; dẻo dai, tận tuỵ đem lửa nghề tô thắm ước mơ cho học trò trên từng dấu chân tháng năm. Video Kỷ yếu 20 năm trường THCS Chu Văn An - là nơi cất giữ một phần cuộc đời mỗi chúng ta. Xin hãy trân trọng, nâng niu video kỷ yếu hằn nếp gấp thời gian để đón lấy cái êm đềm của hoài niệm, để nâng đỡ tim người, để ta tìm về những vui buồn cho lòng vơi thương nhớ - một nỗi nhớ nồng nàn dư vị cuộn tròn trong miền ký ức lao xao, thầm lặng. Và chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý vị video Kỷ yếu 20 năm thành lập trường THCS Chu Văn An 2000-2020. Xin mở lòng cùng Quý vị!
 2. GIỚI THIỆU VỀ NGÔI TRƯỜNG QUA 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH.
 Cách đây 20 năm, trường THCS Chu Văn An được thành lập trên cơ sở tách ra từ trường THCS Nguyễn Huệ (Hòa Hương, Tam Kỳ) vào ngày 25 tháng 8 năm 2000. Hân hoan với ngôi trường mới, nhưng những thế hệ giáo viên, học sinh đầu tiên ấy phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức. Đó là hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn. Song với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, hiện nay trường đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, trở thành địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh và học sinh trên địa bàn. Khi mới thành lập trường chỉ có 12 lớp học, với 24 CBGVNV. Đội ngũ cán bộ giáo viên  người, do thầy giáo Lê Viết Quang  làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Bá Hảo làm phó Hiệu trưởng. Sau đó thầy Nguyễn Bá Hảo được điều động chuyển công tác, nên cô giáo Trần Thị Thanh Hà là PHT thứ hai, tiếp theo là thầy Nguyễn Tấn Bền, rồi thầy Trần Công đã từng làm Phó Hiệu trưởng của trường, đến hôm nay là cô Nguyễn Thị Thu Vân. Năm học: 2009 thầy Lê Viết Quang được điều động về trường Nguyễn Du. Từ đó cô Giao Thị Tuyết Mai  được điều động về giữ chức vụ  Hiệu trưởng  nhà trường. Năm học 2013- 2014 được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trường được xây dựng tại một cơ sở mới (137- Thái Phiên)  khang trang, bề thế hơn. Với hai dãy nhà hai tầng 20  phòng, trong đó có 08 phòng học và các phòng Hiệu bộ, bộ môn, thí nghiệm thực hành, các tổ chuyên môn…
Đến tháng 2 năm 2016 cô Giao Thị Tuyết Mai về nghỉ hưu. Thầy Trần Anh Hải thay thế cô 1 năm tròn và bây giờ thầy Trần Công là Hiệu trưởng đã được hơn hai năm. Để nâng cao chất lượng đại trà, nhà trường đã rà soát phân loại để tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho học sinh phù hợp cho học sinh từng lớp, từng khối. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, phong cách, nếp sống; giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức công dân và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Song song với các nhiệm vụ, nhà trường còn thực hiện tốt các cuộc vận động như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”… Trường đã chỉ đạo các cá nhân, các tổ, các đoàn thể trong nhà trường làm kế hoạch, xây dựng các chỉ tiêu phấn đấu và tổ chức kiểm tra chặt chẽ kỷ cương, nề nếp. Từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý dạy và học góp phần tạo nên kết quả giáo dục toàn diện cao. Công tác phối hợp với hội cha mẹ học sinh, với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị trong và ngoài nhà trường được làm tốt góp phần huy động nguồn lực, tài lực, trí lực của cộng đồng cùng tham gia, chung sức thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu của nhà trường đặt ra. Các hoạt động của nhà trường luôn được thực hiện công khai, dân chủ trong quần chúng và đoàn thể, đã tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết.
  Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự động thuận của cha mẹ học sinh đặc biệt sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của phòng GD&ĐT Tam Kỳ . Từ việc xác định rõ nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên và đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngày càng đạt hiệu quả cao. Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra tiêu chí dạy và học rõ ràng: Giáo viên trường THCS Chu Văn An phải là những người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn giỏi, yêu nghề. Và nhà trường đã xác định: “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo; Tất cả vì chất lượng thật và hiệu quả cao”, không những thế “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tư duy sáng tạo của người học. Bồi dưỡng cho học sinh khả năng thực hành, lòng say mê học tập, ý chí vươn lên”. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cùng tập thể giáo viên nhà trường luôn một lòng phấn đấu thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục tạo nên thành quả bước đầu khởi sắc trong sự nghiệp trồng người. Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt được phát động rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường ngay từ đầu năm học và đã trở thành nếp nghĩ cách làm của nhà trường trong nhiều năm qua. 100% giáo viên nhà trường có trình độ chuẩn và trên chuẩn có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, luôn tự mình học tập, bồi dưỡng năng lực chuyên môn.
Từ năm học 2015- 2016 đến nay chất lượng dạy học được nâng lên rõ rệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn, luôn đứng trong top đầu của TP.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, với biết bao thăng trầm . Để có được ngày hôm nay, một ngôi trường tương đối khang trang, có chất lượng giáo dục toàn diện, có đội ngũ các thầy cô giáo vững về chuyên môn nghiệp vụ, được đảng, chính quyền và nhân dân tin cậy là cả một quãng thời gian dài phấn đấu liên tục, đang từng bước hoàn thành sứ mạng lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó của các thế hệ thầy và trò trường. Biết bao thầy cô giáo đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong những ngày công tác tại trường. Nhiều thầy cô giáo đã từ mái trường này về nghỉ hưu, hay chuyển  tới các trường  bạn, nhiều thầy cô giáo mới trẻ lại về trường, tiếp tục dốc lòng vì sự nghiệp của nhà trường. Năm học: 2017-2018 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Với sự phát triển ổn định của nhà trường, nhu cầu được vào học tại trường của học sinh và phụ huynh mỗi ngày một lớn hơn.
Hai mươi năm, một quãng thời gian chưa dài so với sự phát triển của các trường THCS khác trên cả nước, nhưng cũng đủ để trường THCS Chu Văn An khẳng định được vị trí của mình, có biết bao thế hệ học sinh từ mái trường thân yêu đã trưởng thành, giữ các cương vị quan trọng trong xã hội trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang từng ngày làm rạng rỡ và tô đậm thêm truyền thống của nhà trường. Đây là niềm tự hào không những của thầy, trò, phụ huynh học sinh mà còn đáp ứng được sự kỳ vọng của các cấp, các ngành. Có được một trường THCS Chu Văn An như hôm nay, thầy và trò nhà trường trân trọng cảm ơn các cấp lãnh đạo đã quan tâm chỉ đạo một cách kịp thời sâu sát, cảm ơn quý vị phụ huynh đã và sẽ  sát cánh cùng thầy và trò trong suốt chặng đường  20 năm qua cũng như  trong chặng đường phía trước.
Một  trang sử mới đã mở ra. Nhiều thách thức đang đón đợi. Nhưng dù có khó khăn thì thầy và trò trường THCS Chu Văn An vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người.
 3. MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ TRƯỜNG:

 4. GIỚI THIỆU CÁC TỔ CÔNG ĐOÀN
 
STT
TỔ CÔNG ĐOÀN-CM
TỔNG SỐ
NỮ
TỔ TRƯỞNG
1
2
3
4
5
6
Ngữ văn
Toán- tin
Tiếng Anh- TD
 Hóa- Sinh- Lý
Sử- Địa-NT
Văn phòng
06
07
06
07
06
06
05
02
06
06
06
04
Đoàn Thị Thanh Dung
Ngô Minh Hải
Tô Thị Châu Nam
Trần  Thị Kim Thoa
Nguyễn Thị Chanh
Nguyễn Thị Như Hòa
  TỔ VĂN PHÒNG – NGÔI NHÀ CHUNG
   Tổ Văn phòng Trường THCS Chu Văn An có nhiệm vụ thực hiện các công việc hành chính và phục vụ cho công tác giảng dạy của Trường. Tổ gồm các bộ phận: Kế toán, Thủ quỹ, Thư viện, Văn thư, Y tế, bảo vệ, phục vụ. Tuy không trực tiếp giảng dạy học sinh nhưng công việc của tổ lại có nhiếu tác động đến quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Những công việc đó có liên quan đến điều hành chung hoạt động của nhà trường như đảm bảo điều kiện vật chất, tài chính, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho giờ lên lớp của giáo viên cũng như các em học sinh. Các bộ phận của Tổ Văn phòng luôn chấp hành nghiêm túc công việc của mình, nhằm thực hiện tốt nhất kế hoạch nhà trường đề ra.
      Trong 20 năm qua tổ Văn phòng luôn đồng hành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của trường. các thành viên tổ Văn phòng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, luôn đổi mới và ngày càng chuyên nghiệp, đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.    
       Tuy mỗi bộ phận của Tổ Văn phòng  đảm nhận một công việc khác nhau nhưng tất cả đều hướng về một mục đích là phục vụ tốt cho giảng dạy và học tập, đều cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc được phân công. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tổ Văn phòng luôn phối hợp tốt với các tổ chuyên môn, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí trong công việc được giao. Vai trò của tổ Văn phòng không thể thiếu trong hoạt động chung của nhà trường. Tuy công việc thầm lặng nhưng tổ Văn phòng đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của nhà trường. Với chức năng phục vụ toàn diện công tác dạy và học, đảm bảo chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh, tổ Văn phòng đã luôn gắn kết với mọi hoạt động của nhà trường.
 

 
TỔ TOÁN- LÝ-TIN-  MỘT TẬP THỂ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO.
   Tổ Toán – Lý được thành lập ban đầu với số lượng 6 thành viên gồm: Thầy Ngô Quang Liêm ( TTCM), Cô Văn Thị Xuân Thành ( TPCM), Thầy Ngô Minh Hải, Cô Đặng Thị Hồng, Thầy Huỳnh Mỹ Quyền, Cô Cao Thị Ái Trung. Đến tháng 12/ 2000 có thêm Thầy Nguyễn Tấn Bền. Thầy Trương Minh Công chuyển về từ năm 2001, Cô Hoàng Thị Như Phong ( năm 2003), Thầy Trần Mậu Vĩnh ( năm 2005),  Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy ( năm 2007), Cô Huỳnh Thị Kiều Thu ( năm 2008), Cô Mai Thị Nguyệt Nga ( năm 2010), Thầy  Nguyễn Đình Lựu ( năm 2013), Thầy Nguyễn Thành Trung ( năm 2014), Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy ( năm 2015), Thầy  Hồ Văn Khoa  (năm 2017), Cô Huỳnh Thị Bích Vân ( 2018).  Đến năm 2005 tổ có tên là tổ Toán – Lý – Tin. Từ khi thành lập trường đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, và số lượng thành viên có sự thay đổi, nhưng các thành viên trong tổ luôn tích cực tham gia các hoạt động về chuyên môn cũng như các phong trào khác của trường, đạt được  nhiều thành tích cao trong giảng dạy, trong các cuộc thi của ngành. Các thành viên luôn làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề nghiệp được nhiều thế hệ học sinh yêu quý và phụ huynh tin tưởng. Nhiều giáo viên là điểm sáng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, các phong trào thi đua của trường, của ngành, là CSTĐ: Thầy Ngô Quang Liêm, Thầy Ngô Minh Hải, Thầy Nguyễn Đình Lựu, Thầy Nguyễn Thành Trung, Thầy Hồ Văn Khoa. Trong đó cô Huỳnh Thị  Bích Vân, thầy Trần Mậu Vĩnh đạt GVG cấp tỉnh và nhiều năm liền đạt giải về Elarning, nghiên cứu KHKT cấp tỉnh. Hiện nay, tổ Toán – Tin  phần lớn thành viên là các giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, yêu nghề, vững vàng về chuyên môn, đoàn kết không ngừng lớn mạnh và tin chắc chắn rằng tổ Toán – Tin sẽ còn là những bước tiến dài trong sự nghiệp giáo dục cùng với trường THCS Chu Văn An trong thời gian đến. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, tổ Toán - Lý cũng tích cực tham gia có hiệu quả trong nhiều hoạt động khác của nhà trường, đặc biệt tổ toán- lý là tổ được nhà trường tin tưởng giao cho việc thực hiện Hội thi “Rung chuông Vàng” thường niên của nhà trường- đây là hoạt động ngoại khóa đã phát huy tính sáng tạo, tích cực của học sinh, là sân chơi bổ ích cho các em. Nhiều thầy cô chủ nhiệm có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, yêu nghề, kiên trì giáo dục học sinh với phương châm dạy chữ là dạy người, để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng các thế hệ học sinh.
 
to TT
                                                     GIÁO VIÊN TỔ TOÁN- LÝ- TIN
              TỔ NGỮ VĂN- MỘT TẬP THỂ LUÔN ĐOÀN KẾT VƯƠN LÊN.
    "Văn học là nhân học”, và dạy văn cũng là dạy làm người. Với sứ mệnh đó, các thầy cô dạy môn Ngữ Văn đã gắn bó với nhà trường từ khi mới hình thành, đến nay đã 20 năm. Một trong những thầy, cô giáo về trường đầu tiên đã gắn bó cũng như đặt nền móng vững chắc cho tổ Ngữ văn chính là thầy giáo Nguyễn Ngọc Chương- tổ trưởng CM đầu tiên- một người thầy có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, luôn hết lòng, tận tâm với các thế hệ học trò của nhà trường. Cùng với thâm niên hơn 35 năm công tác, thầy đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Các thầy cô đã nghỉ hưu: Thầy Nguyễn Ngọc Chương, cô Nguyễn Thị Tưởng, cô Nguyễn Thị Loan, cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cô Trương Thị Loan Trinh, cô giáo trẻ về tổ được hai năm đã chuyển về Đà Nẵng làTrương Thị Vĩnh Ái. Đến nay, tổ Ngữ văn ngày càng vững mạnh về đội ngũ và không ngừng được nâng cao về chất lượng giảng dạy. Hiện tổ chuyên môn có tổng số 06 thành viên, trong đó có một giáo viên nam là thầy Nguyễn Cao Trí và một người chị trong tổ với vai trò là nhân viên thư viện của trường cũng đã sinh hoạt tại tổ đó là cô Phan Thị Chiến. Cô Đoàn Thị Thanh Dung hiện nay là Tổ trưởng CM, cùng các cô giáo Trần Thị Mỹ Ba, cô Trần Thị Phương, cô Đỗ Lê Nguyệt.
Thế mạnh của tổ là các thành viên có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm, sự năng động trong công việc và rất đoàn kết. Tổ Ngữ văn thực sự là một gia đình nhỏ mà mọi thành viên đều có thể chia sẻ với nhau từ những kinh nghiệm trong giảng dạy đến những vui buồn thường ngày, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có khó khăn, đau ốm, mỗi cá nhân đều được tạo điều kiện để phát huy năng lực của mình. Các thành viên trong tổ cũng không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tham gia tích cực các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn trên Trường học kết nối; tự học hỏi, trao đổi chuyên môn với đồng nghiêp. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng trong từng giờ dạy, tổ Ngữ văn còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá như Hội thi Thuyết trình văn học hàng năm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất thiết thực, phong phú, hiệu quả thi kể chuyện theo sách, thi giới thiệu sách, thi sáng tác thơ văn trong Hội trại, tham gia thi Hùng biện Câu chuyện Đạo đức và PL…Ý thức được tầm quan trọng của bộ môn mà tổ đảm nhiệm nên tập thể giáo viên tổ Ngữ văn đã và sẽ không ngừng cố gắng vươn lên để đóng góp cho sự nghiêp trồng người cũng như mang lại nhiều thành tích hơn nữa cho mái trường THCS Chu Văn An thân yêu.  
to nv

TỔ NGOẠI NGỮ- NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH ẤN TƯỢNG.
   Trong quá trình trưởng thành, phát triển, tổ Ngoại Ngữ là một trong những tổ chuyên môn có nhiều đóng góp vào bề dày thành tích chung của trường THCS Chu Văn An, được thành lập từ năm 2000 do thầy Võ Viết Hồng làm tổ trưởng, tiếp theo là cô Lê Thị Lý, sau này là cô Tô Thị Châu Nam, các thành viên cô Trần Thị Thanh Duyên, cô Trần Thị Ngọc Diệp, cô Nguyễn Thị Hằng cùng các cô giáo đã nghỉ hưu như: Cô Thanh, cô Mai, thầy Tạ Long Đĩnh, cô giáo Hà đã chuyển công tác về trường Nguyễn Du. Từ ngày thành lập đến nay, tổ Ngoại ngữ  đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những tổ chuyên môn xuất sắc của nhà trường.
     Trong các năm qua, từng thành viên của tổ không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao kết quả giảng dạy bộ môn. Việc dự giờ, thao giảng, sinh hoạt chuyên môn, tổ chức chuyên đề được thực hiện đều đặn, có kế hoạch. Đặc biệt, trong các buổi góp ý, rút kinh nghiệm tiết dạy, các giáo viên nhiệt tình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau tháo gỡ khó khăn, cùng nhau tiến bộ. Tất cả thành viên của tổ đều có kiến thức khá tốt về tin học, biết sử dụng máy tính và mạng internet phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu. Mỗi năm học, tổ Ngoại ngữ- đều có những sáng kiến kinh nghiệm có tính thực tiễn. Trong phong trào thi đua giảng dạy, hằng năm tổ đều có giáo viên đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở; có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp TP. Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết trong công việc, các giáo viên của tổ đã tích cực đổi mới trong công tác giảng dạy và tìm tòi nghiên cứu để tự nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời cũng để thể hiện rõ phương châm của tổ: thông qua những tiết học, cái mà học sinh tiếp thu được không chỉ là những kiến thức bộ môn mà còn là bài học làm người, những nét văn hóa ửng xử, những kĩ năng sống để giúp học sinh hòa nhập tốt hơn với cuộc sống cộng đồng. Tổ đã tổ chức các hoạt động Ngoại khóa, thành lập CLB tiếng Anh hoạt động thường xuyên, giao lưu với người nước ngoài thông qua các buổi tham quan…
     Tự hào với truyền thống 20 năm năm dạy tốt học tốt, toàn thể giáo viên trường nói chung và các thầy cô giáo tổ Ngoại Ngữ nói riêng đang phấn đấu nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu. Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, tổ Ngoại Ngữ không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, truyền thụ những kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng cho học sinh để mang lại hành trang cho các em trên con đường đi tới tương lai, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, trở thành những công dân tốt về phẩm chất, sáng về trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương đất nước.                       
 
to nn c
to nn
                                                          GIÁO VIÊN TỔ NGOẠI NGỮ.
  
TỔ HÓA – SINH- VỮNG BƯỚC ĐI LÊN.
      Nhìn lại chặng đường 20 năm từ khi trường mới thành lập, tổ Hóa – Sinh tự hào đã đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và phát triển nhà trường. Tổ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dệt lên thành tích chung của toàn trường.
     Về công tác bồi dưỡng chuyên môn, tổ Hóa – Sinh luôn có những thầy cô giáo tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề, trình độ chuyên môn vững vàng. Tham gia dạy sinh hoạt chuyên môn cấp thành phố, có những thầy cô đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp TP như cô  giáo Nguyễn Thị Kim Yến, cô giáo Trần Thị Kim Thoa, cô Đào Thị Thu Thủy… Có những giáo viên tuy còn trẻ nhưng có trình độ chuyên môn vững vàng như cô giáo Đào Thị Thu Thủy, cô giáo Trần Thị Kim Thoa. Tổ còn có giáo viên  rất tích cực trong phong trào Hội khỏe Phù Đổng như cô Võ Thị Hồng Công, cô Nguyễn Thị Kim Yến, được học sinh yêu quý… Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ Hóa – Sinh là một trong ít tổ đạt được thành tích trong các kì thi HSG cấp TP, cấp Tỉnh.Tổ cũng tích cực tham gia hướng dẫn học sinh trong việc bồi dưỡng thí nghiệm thực hành.
Tập thể các thầy giáo, cô giáo trong tổ là những người giản dị, luôn đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, năng động, sáng tạo trong thực hiện các phong trào của nhà trường. Hằng năm tổ luôn thực hiện các hoạt động ngoại khóa rất bổ ích như Phòng chống thuốc lá, các bệnh về mắt, an toàn đuối nước… đã cung cấp cho học sinh những kiến thức thiết thực áp dụng trong cuộc sống.
` Với truyền thống và những thành tích đã đạt được, với đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết, yêu nghề, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chuyên môn Hóa- Sinh sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của Trường THCS Chu Văn An.
to hs
GIÁO VIÊN TỔ HÓA SINH.
  
TỔ SỬ - ĐỊA - NGHỆ THUẬT- TỪNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH TRÊN  ĐOẠN HÀNH TRÌNH.
      Tổ Sử - Địa - Nghệ Thuật có 6 giáo viên đều là nữ, cô Nguyễn Thị Chanh làm tổ trưởng. Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, chất lượng đội ngũ giáo viên tổ Sử – Địa  không ngừng được nâng cao, 100% giao viên đều đạt trên chuẩn. Giáo viên tổ Sử - Địa vững về chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, đóng góp tích cực vào các hoạt động của nhà trường, đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi cho địa phương An Sơn.
     Cùng với sự trưởng thành chung của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong tổ nhanh chóng được trẻ hóa. Các thành viên trong tổ sống giản dị, chân thành, say sưa nghiên cứu, tâm huyết với nghề. Những đồng chí có thâm niên công tác như cô giáo Lê Vui và cô Tố Trinh giàu kinh nghiệm là chỗ dựa về chuyên môn và tinh thần cho lớp trẻ. Những giáo viên trẻ mạnh dạn vươn lên.
      Tổ luôn tích cực đổi mới trong phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học, luôn luôn cố gắng để đạt những thành tích tốt nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường đề ra. Các giáo viên trong tổ có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng và thường xuyên trao dồi chuyên môn, để nâng cao trình độ, thường  xuyên nghiên cứu và ứng dụng CNTT một cách hiệu quả vào dạy học. Chính từ phong trào giảng dạy sôi nổi và những thành tích xuất sắc nên nhiều năm liền tổ đã đạt Danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến- xuất sắc, có  giáo viên nhiều năm liền đạt danh hiệu  “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Đặc biệt, năm học 2016 -2017, tổ có 3 giáo viên đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Đó là các cô Nguyễn Thị Chanh, cô Thái Thị Vân, cô Lê Thị Cẩm Vân. Bằng sự nhiệt tình và tâm huyết với nghề, trong phong trào thi giáo viên dạy giỏi các cấp, tổ luôn có giáo viên tham gia và đạt giải cao. Năm học 2016-2017, cô Thái Thị Vân đạt giải nhì cấp tỉnh môn Mĩ thuật, cô Võ Thị Loan giải khuyến khích bộ môn Địa lí cấp thành phố, cô Lê Thị Cẩm Vân đạt giáo viên Tổng phụ trách giỏi... Cùng với việc dạy học theo quy định, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc được quan tâm đặc biệt. Nhiều  giáo viên trong tổ đã tích cực nghiên cứu, sọan giảng và bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy bộ môn sử, địa mới chỉ tổ chức thi HSG từ năm học 2013 – 2014 nhưng tổ đã đạt nhiều thành tích, nhiều học sinh đạt giải HSG cấp thành phố và có HS giỏi cấp tỉnh góp phần rất lớn vào thành tích chung của nhà trường.  Năm học 2018- 2019 tổ tiếp nhận thêm cô giáo Trần Thị Thùy Linh dạy môn Âm nhạc. Hiện nay, cô Lê Thị Cẩm Vân đã chuyển công tác về Hội An.
to sd2
 
to SĐ
   GIÁO VIÊN TỔ SỬ- ĐỊA- NGHỆ THUẬT                             
     5. GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI VIẾT TỪ 20 TẬP "ĐỒNG VỌNG"                                                                               Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn thường nhắc nhở nhau :

                      "Muốn sang thì bắc cầu Kiều

                         Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy".

      Vì thế, tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời xưa, khi cho con nhập môn, cha mẹ thường dắt con đến ra mắt thầy kèm theo ấm trà, cân gạo, sang hơn là con gà, cân cá mà gia đình tăng gia được để biếu thầy. Trăm sự nhờ thầy, phó mặc cho thầy. Con nên người, thành đạt hay thất bại cũng nhờ thầy.  Ngày nay, cha mẹ học sinh đã có quyền tham gia vào quá trình giáo dục của người thầy. Hơn thế nữa, gia đình là một mắt xích trong quá trình giáo dục nhân cách của trẻ “ Gia đình - Nhà trường – Xã hội”. Đảng và nhà nước đã cho phép thành lập Hội Cha mẹ học sinh và nay ban hành  Điều lệ hoạt động của Ban đại diện trong đó đã ghi rõ : “ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh... Ban đại diện có nhiệm vụ phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường; tuyên  truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh. Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh  yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; động viên cán bộ giáo viên tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Nhắc lại điều đó để một lần nữa chúng ta cùng khẳng định vai trò không thể thiếu của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà  trường nhất là với trường THCS Chu Văn An.
     Trong 20 năm qua, Hội phụ huynh nay là Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phát huy được vai trò tư vấn, cùng chung vai gánh vác, đồng hành với nhà trường trong mọi hoạt động giáo dục. Chúng ta có cơ ngơi gọn gàng, sạch sẽ như ngày hôm nay là nhờ Ban đại diện đã đứng ra huy động toàn dân tham gia đóng góp xây dựng:  sửa chữa nhà vệ sinh, nâng nền phòng học, xây phòng chức năng, nâng sân trường ...Không chỉ hỗ trợ về cơ sở vật chất, ban đại diện còn tư vấn góp ý, cùng với nhà  trường quản lý giáo dục học sinh, cùng tham gia các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục của THCS Chu Văn An đã từng bước được nâng lên, luôn đứng trong tốp đầu của Thành phố Tam Kỳ nhất là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Có thể nói trong mỗi thành công của nhà trường hôm nay là của Ban đại diện, của các bậc cha mẹ học sinh. Xin thay mặt các cán bộ giáo viên nhà trường, gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả các ông bà trong Ban đại diện và các bậc cha mẹ học sinh của nhà trường.  
               
ban ddcm
                                                                     
 
                      Bài thơ về ngôi trường mới xây
                                               Viết cho ngôi trường Chu Văn An của tôi
Có thể chưa trọn vẹn một ngôi trường
Chỗ các em chơi còn ngổn ngang đất đỏ
Chỉ có nắng và một trời lộng gió
Kỷ niệm bây giờ… chưa có cánh phượng rơi!
 
Kỷ niệm học trò thương quá các em tôi
Dù dẫu biết thế nào rồi cũng qua cái thuở
Nắng… mưa… gió bập bềnh theo trang vở
Giấu nơi nao một chút nhớ lặng thầm?
 
Thì xin giữ cho nhau một áng mây râm
Để bóng mát che tình thân bè bạn
Không lẽ giữa đất trời vô hạn
Chẳng dịu dàng được một nụ cười tươi…
 
Thì xin mỗi mặt người là một nụ hoa
Giờ ra chơi… có lấm ít nhiều bụi đất
Mà ừ nhỉ- Hoa nào không của đất?
Dẫu muộn mằn cũng cứ toả ngát hương!
 
Có thể chưa trọn vẹn một ngôi trường
Và có thể trăm điều chưa trọn vẹn
Có thể chưa… xoay quanh niềm trăn trở
Riêng mỗi mặt người trọn vẹn một niềm tin.
                                   Nguyễn Ngọc Chương
 
   
HOÀI NIỆM
                                                                                                    Trần Thị Thanh Hà
      Mùa thu nữa lại về. Trời trong xanh, những đám mây trắng lơ lửng trên tầng không. Nắng vàng  nhẹ  nhàng vương trên những cành lá, vòm cây, tường nhà, con phố, dệt lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Phố xá cứ rộn lên đủ mọi âm thanh tạo nên bản hòa âm cuộc sống thật phong phú.
Tam Kỳ đã khác xưa rất nhiều! 
      Mới đấy đã thấm thoắt trôi qua 16 năm, ngày tôi nhận Quyết định về trường THCS Chu Văn An làm Hiệu phó (năm học 2001-2002), cảm giác lúc đó trào lên bao cảm xúc lo âu, buồn vui lẫn lộn.
      Vốn là một trường nội thị vừa mới xây xong và đã đi vào hoạt đông năm học 2000-2001,  tôi hình dung phải là một ngôi trường khang trang, đầy đủ mọi cở sở vật chất cho một ngôi trường mới. Thế nhưng, cái cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân vào trường thật sự ngạc nhiên. Đó là con đường bê tông nhỏ bé với bề ngang khoảng một mét rưỡi, chỉ vừa đủ hơn cho một chiếc xe đạp, hoặc hon đa đi lai, nếu đi không cẩn thận dễ dàng xe của thầy và trò sẽ tông vào nhau. Đi vào chút nữa mới thấy tên trường tụt sâu trong một ngõ nhỏ thật khiêm tốn. Vào trong cổng trường, cái sân là nền đất đỏ được đổ lên còn ngổn ngang gạch đá, vôi vữa trông giống như một công trường đang thi công hơn là trường học. Có 12 phòng học, một số phòng học cho học sinh ngồi học và thấy cô lên lớp cơ bản đã xong, bàn ghế tương đối đầy đủ. Dù sao vẫn ưu tiên cho học sinh,  nhưng bảng đen và một số bàn ghế vẫn sử dụng những cái cũ của trường THCS Nguyễn Huệ chuyển sang. Dãy phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện trong giai đoạn hai nên còn dang dở. Riêng phòng làm việc của Ban Giám hiệu, văn phòng, phòng Hội đồng sư phạm  chưa hoàn thiện nên vẫn còn bề bộn., thiếu ngăn nắp. Mọi người, từ Hiệu trưởng đến nhân viên trong nhà trường ngồi chung một phòng làm việc, các thầy cô giáo mỗi giờ lên lớp xuống nghỉ giải lao cũng vào phòng này. Thật là bất tiện! Còn nữa, tủ đựng hồ sơ của nhà trường chỉ có một cái, bàn ngồi làm việc phải lấy bàn ghế của học sinh dùng tạm….Ôi! Một ngôi trường mới xây vậy mà thiếu đủ thứ?!!
      Một nỗi lo âu luôn luôn thường trực trong tôi: Làm thế nào để làm việc đây? Lần đầu tiên làm quản lý chuyên môn ở một trường mới mẻ thế này, gặp phải bao khó khăn thiếu thốn về vật chất. Đã thế, kinh nghiêm quản lý chưa có, chưa qua một lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý nào? Chưa nắm hết tất cả các kỹ năng lên lớp của từng bộ môn học, đồ dùng dạy học thiếu hoặc không có, nếu có thì không còn phù hợp giảng dạy theo phương pháp mới; sách đọc tham khảo, nghiên cứu cho giáo viên và sách, truyện đọc cho học sinh ở thư viện của trường còn nghèo nàn; đối tượng học sinh trên địa bàn lạ lẫm…
Không chỉ là như thế, đấy mới chỉ là bề ngoài của một ngôi trường, của một người làm quản lý mới mẻ như tôi. Cái mà tôi trăn trở, phiền lo nữa đó là gặp phải những khó khăn trong công tác quản lý chuyên môn. Nhiều lúc cảm thấy chán nản vì học sinh lười biếng học, bỏ giờ,  hay vi phạm những nội quy của nhà trường đề ra. Cực nhất là chia thời khóa biểu phân công giờ dạy chưa đạt được mong muốn của từng thầy cô. Được người này thì mất người kia, cứ xếp tên của người này được thì trùng giờ với người nọ. Mỗi lần thay đổi thời khóa biểu là mỗi lần tôi phải thức khuya hàng đêm (vì lúc đó trường chưa mua sắm máy vi tính) để sắp xếp sao cho hợp lý. Có tuần tôi phải thay đổi thời khóa biểu mấy lần. Cứ thế tất bật, vất vả đánh vật với thời khóa biều phải mất một thời gian mới thành thạo.
Công tác dự giờ là một tiêu chuẩn thi đua xếp loại giáo viên từng học kỳ, cả năm, bắt buộc Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn phải dự giờ từ 2 đến 4 tiết mỗi tuần. Mỗi lần dự một tiết dạy của giáo viên thật vất vả, nhiều áp lực. Người dạy phải chuẩn bị kỹ nội dung tiết dạy, sử dụng đồ dùng dạy học còn thủ công. Người dự phải mổ xẻ, phân tích, đánh giá đúng, chưa đúng kiến thức; có giáo viên đồng ý với tiết dạy và nhận xét của người dự, nhưng cũng có giáo viên không đồng ý hoặc chưa đồng ý...chưa kể đến việc viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm của mỗi giáo viên, phân công dạy tăng, dạy thay những thầy giáo, cô giáo đi công tác, đau ốm, nghỉ phép. Rồi đến các hoạt động ngoài giờ phải nắm bắt sao cho phù hợp để tạo điều kiện cho thầy trò làm việc tốt hơn…Nhiều lắm!  Ôi! Thật là nhiêu khê! Đầu óc cứ nặng trình trịch như bom tấn đã có lúc tôi suy nghĩ xin rút khỏi công tác quản lý vì mình không kham nổi..
Nhưng trời đã phù hộ cho tôi, tôi đã có quí nhân giúp đỡ! Tôi đã may mắn gặp được một đội ngũ sư phạm về trường có tâm huyết, yêu nghề và có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng; là những thầy cô đã cùng dạy với tôi ở trường THCS cũ Nguyễn Huệ chuyển sang; là những người thầy của tôi đã từng là quản lý giáo dục, là Hiệu trưởng như thầy Tạ Long Đĩnh; là chủ tịch Công đoàn, là hiệu phó chuyên môn như thầy Ngô Quang Liêm, thầy Nguyễn Thu; là tổ trưởng chuyên môn, là cây viết sâu sắc với những lời bình luận hài hước mà chan chứa tình cảm, sâu lắng của thầy Nguyễn Ngọc Chương; là những cô giáo dạy giỏi, thương yêu học sinh đã tâm sự và chia sẻ với tôi trong  những ngày đầu về trường như cô giáo Văn Thị Xuân Thành, cô giáo Nguyễn Thị Loan, cô Nguyễn Thị Tưởng, cô Lê Thị Vui, cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cô Lâm Hoài Nhơn, cô Trung…Đặc biệt hơn nữa, tôi có sự trợ giúp tận tình của người hiệu trưởng lâu năm có kinh nghiệm đó là thầy Lê viết Quang…. Tôi đã nhận được món quà tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Hội đồng Sư phạm đó là sự đồng cảm, thông cảm, sự chia sẻ tràn đầy tình đồng nghiệp, đồng chí của các thầy cô. Có một cái gì đó đã len lỏi trong tôi một tình yêu nghề hơn nữa và tôi đã cố gắng tự động viên mình: Hãy tự tin vững bước nhé!
Cái may mắn nữa đến với tôi đó là sự quan tâm của Đảng ủy Phường An Sơn rất chân tình, đã tạo mọi điều kiện cho tôi làm việc trong những ngày đầu tiên làm quản lý của trường đóng trên địa bàn của Phường. Người đã giúp tôi và giới thiệu tôi ứng cử Hội đồng nhân dân phường An Sơn là đồng chí Nguyễn Chí Hùng chủ tịch MTTQ phường An Sơn, đồng chí Nguyễn Oanh bí thư Đảng ủy phường An Sơn. Đây chính là cầu nối để tôi có mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với địa phương và cũng là nơi tôi tìm hiểu thực tế địa bàn dân cư, nắm rõ tình hình cuộc sống của phụ huynh, học sinh để củng cố thêm công tác giáo dục của nhà trường.
Có lẽ những tình cảm chân tình của các thầy cô trong Hội đồng sư phạm Chu Văn An và sự quan tâm của Đảng ủy phường An Sơn đã dành cho tôi những ngày đó chính là bước đệm cho tôi tiến xa hơn nữa, trưởng thành hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình sau này. Làm sao tôi có thể quên được!
Đã đi qua những tháng năm đó rồi! Xin cảm ơn tất cả Hội đồng sư phạm Chu Văn An! Xin cảm ơn các thầy cô giáo! Xin cảm ơn Đảng ủy phường An Sơn, những người  đã gặp và cùng làm việc với tôi trong những tháng năm đầu vất vả, thiếu thốn của trường Chu Văn An mới thành lập. Còn rất nhiều kỷ niệm với trường mà không thể nói hết được…
 Nay trở lại trường cũ, nhưng lại là trường mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ; với đầy đủ cơ sở vật chất được tọa lạc trên một khu đất mới thoáng đãng, bình yên; được gặp lại các thầy cô nhưng lại là những thầy cô mới, thế hệ mới chuyển giao được trang bị những kiến thức đầy đủ và mới mẻ với công nghệ hiện đại. Chất lượng học sinh ngày càng nâng cao. Nhìn sân trường được tráng xi măng, lót gạch ẩn dưới những bóng cây xanh, chắc giờ chào cờ, những giờ ra chơi, tập thể dục của các em sẽ nghiêm túc, vui vẻ rất nhiều? Những tà áo dài đủ màu sắc của các cô giáo thướt tha trên bục giảng mãi mãi là vẻ đẹp mẫu mực để các em luôn ghi nhớ. Mùa mưa bão sắp đến, nhưng con đường vào trường giờ đây được trải nhựa, sạch bong, nó không còn con đường lầy lội, làm vấn bẩn những bùn đất lên những chiếc đồng phục của học sinh, lên tà áo dài của các cô giáo như ngày xưa nữa. Trường đã ra trường, lớp đã ra lớp. Tôi thấy rất mừng và tự hào.
Mùa thu sắp sửa qua đi, tôi và các thầy cô khác đã rời ghế nhà trường,  ẩn mình về nhà vui vẻ với con cháu  nhưng vẫn luôn chờ nghe những âm vang của  mùa thu, tiếng trống trường, những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, những tiếng giảng bài của các thầy cô giáo…nhưng những dấu ấn kỷ niệm về ngôi trường cũ vẫn in mãi trong tôi! Tự nhiên tôi nhớ lời của một bài hát: “ Mùa thu ơi! Mùa thu. Mùa mang bao ước mơ…”!
                                                                                                                    
                                                                                                                 

Tác giả bài viết:   Tác giả: Nguyễn Thị Thu Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay381
  • Tháng hiện tại18,940
  • Tổng lượt truy cập3,786,698

Lịch

Lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với học sinh

Lượt xem:3278 | lượt tải:859

Số 2573/QĐ-UBND

Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018

Lượt xem:2252 | lượt tải:519

Nội quy

Nội quy thi học kỳ

Lượt xem:4847 | lượt tải:0

Số 47/2012

Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia

Lượt xem:9605 | lượt tải:1518

58/2011/TT-BGDĐT

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh

Lượt xem:2446 | lượt tải:543
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây